VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
TIN TỨC VỀ CUỘC HỌP CỦA G7 NGÀY 25/06/2022

 

G7 muốn gây thêm sức ép với Nga và tăng hỗ trợ cho Ukraina

Cờ của các nước G7 tại nơi diễn ra thượng đỉnh (26-28/06/2022), lâu đài Elmau, dưới chân núi Alpes ở bang Bayern của Đức. © wikipedia

Thu Hằng (RFI) - Tối 25/06/2022, nguyên thủ các nước nhóm G7 đã đến lâu đài Elmau, dưới chân núi Alpes ở bang Bayern của Đức để tham dự cuộc họp thượng đỉnh từ ngày 26/06, với trọng tâm là chiến tranh Ukraina, khủng hoảng lương thực toàn cầu và khí hậu.

G7 MUỐN GÂY THÊM SỨC ÉP VỚI NGA VÀ TĂNG HỖ TRỢ CHO UKRAINA

Theo AFP, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết thượng đỉnh G7 sẽ đưa ra « một loạt đề xuất cụ thể để gia tăng sức ép đối với Nga và chứng tỏ sự ủng hộ tập thể của chúng tôi (G7) đối với Ukraina ».

Đặc phái viên RFI Daniel Vallot tường thuật tình hình tại chỗ :

« Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski cũng được mời tham dự thượng đỉnh. Ông sẽ phát biểu trực tuyến vào thứ Hai (27/06) và chắc chắn như thông lệ, ông Zelensky sẽ lại yêu cầu cung cấp thêm vũ khí cho quân đội Ukraina và gia tăng trừng phạt Nga.

Trước đó, chính quyền Mỹ cho biết là muốn nhân thượng đỉnh G7 lần này để gia tăng sức ép đối với Matxcơva nhưng không nêu chi tiết các biện pháp có thể được thông qua. Tại Paris, điện Elysée cũng cho biết là thượng đỉnh G7 không phải là nơi để quyết định các biện pháp trừng phạt mà là để phối hợp chúng và bảo đảm là các biện pháp trừng phạt sẽ không bị lách.

Ngoài vũ khí hay các biện pháp trừng phạt mới, vấn đề tài trợ cho Ukraina cũng có thể được thông báo. Trong tuần qua, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đề cập đến một « kế hoạch Marshall » cho Ukraina ».

G7 dự kiến cấm nhập khẩu vàng của Nga

Một trong các biện pháp được G7 dự kiến thông qua để gia tăng sức ép đối với chính quyền của tổng thống Putin là cấm nhập khẩu vàng của Nga. Theo tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là « một nguồn xuất khẩu quan trọng » và như vậy « sẽ khiến Nga mất nhiều tỉ đô la ». Chính phủ Anh thẩm định khối lượng vàng xuất khẩu trong năm 2021 đã mang về cho Nga gần 15 tỉ đô la.

Trước khi được G7 thống nhất thông qua, bốn nước Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản đã thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga. Luân Đôn cho rằng việc cấm giao dịch vàng trên thị trường Anh sẽ « tác động mạnh đến khả năng tài chính của Putin » và tránh để giới nhà giầu Nga lách trừng phạt của phương Tây bằng cách tích trữ vàng. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ nhắm vào vàng được khai thác sau khi Nga bị cấm vận vì gây chiến ở Ukraina.

Phát biểu tối 25/06, thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 không « bỏ rơi Ukraina », cảnh báo nguy cơ « mệt mỏi » trong việc hỗ trợ chính quyền Kiev, đồng thời thông báo Anh sẽ hỗ trợ thêm về kinh tế cho Ukraina.

Ngoài Ukraina, G7 còn mời 5 nước khác tham dự, gồm Indonesia, Ấn Độ, Senegal, Nam Phi và Achentina.

ĐỨC: HÀNG NGHÌN NGƯỜI BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI THƯỢNG ĐỈNH G7

Đức: Hàng nghìn người biểu tình phản đối thượng đỉnh G7

Những người phản đối toàn cầu hóa tuần hành tại thành phố Munich, Đức, ngày 25/06/2022, nhân dịp diễn ra thượng đỉnh G7. (© Lukas Barth / )

Trọng Nghĩa (RFI) - Nhân hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 mở ra vào hôm nay 26/06/2022 tại thị trấn Elmau, trên dãy núi Alpes của Đức, như mọi lần trước đây, những người chống toàn cầu hóa đã tổ chức biểu tình phản đối. Thế nhưng tại Đức lần này, chỉ có vài nghìn người xuống đường ở Munich vào hôm qua, 25/06/2022, thay vì 20.000 như dự kiến. Đây là một con số cũng ít hơn nhiều so với các hội nghị thượng đỉnh trước đây.  

Để đề phòng mọi bất trắc, chính quyền đã huy động những phương tiện an ninh đáng kể để bảo vệ nơi diễn ra hội nghị là thị trấn Elmau, cũng như là kiểm soát chặt chẽ khu vực chung quanh.  

Từ Munich, đặc phái viên RFI Pascal Thibaut ghi nhận:

“Vào năm 2015, tại cùng một địa điểm, trong khung cảnh bình dị của rặng núi Alpes vùng Bavaria, cuộc họp G7 tại Lâu Đài Elmau, do thủ tướng Đức thời đó là Angela Merkel chủ trì, đã cung cấp một hậu trường hoàn hảo cho các cuộc đàm phán.

Nằm biệt lập trên núi, địa điểm này rất dễ bảo vệ. Cho dù vậy, các biện pháp an ninh vẫn rất ấn tượng. Một hàng rào dài 16 km và cao tới 3 mét đã được lắp đặt để ngăn chặn những kẻ phá rối thích thể thao; 18.000 cảnh sát được huy động; chi phí an ninh như vậy đã cao hơn so với năm 2015, lên tới 180 triệu Euro.

Việc tiếp cận khu vực cũng rất phức tạp. Các trạm kiểm soát đã được thiết lập tại biên giới. Phi cơ bị cấm bay qua khu vực. Những người chống toàn cầu hóa đã được phép dựng một khu trại với 750 người trong khu du lịch trượt tuyết Garmisch-Partenkirchen, cách nơi tổ chức hội nghị 18 km. Nhưng nơi này đã được bảo vệ rất cẩn mật. Địa điểm từng là nơi tổ chức Thế Vận Hội 1936 đã bị biến thành một thành phố tư pháp với 260 container dùng làm nơi cho các thẩm phán làm việc ráo riết và làm phòng giam sẵn sàng tiếp nhận các bị cáo.

Hôm nay, 50 người biểu tình đã được quyền đến gần Lâu Đài Elmau để phản đối trong một thời gian ngắn. Nhưng họ đã được hộ tống chặt chẽ. Con số các nhà hoạt động chống toàn cầu hóa dự kiến ​​đến Đức biểu tình vẫn ở mức tối thiểu trong năm nay”.

 

Posted: 26/06/2022 #views: 1265
Add comment
:
Pages:  [-1]