VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
50 NĂM HẢI CHIẾN HOÀNG SA: CHIẾN THUẬT VÙNG XÁM CỦA BẮC KINH VÀ CƠ HỘI ĐỂ ĐƯA TÀU CỘNG RA TÒA QUỐC TẾ

 

(Ảnh: Getty Images)

BBC - Nhân kỷ niệm 50 sự kiện Hải chiến Hoàng Sa 1974, một câu hỏi được đặt ra là liệu đây có phải thời điểm để Việt Nam đòi lại chủ quyền biển từ Tàu cộng bằng cách đưa vụ việc ra tòa quốc tế hay không?

Trả lời câu hỏi này, nhà nghiên cứu Biển Đông Phạm Ngọc Minh Trang, thành viên Quỹ Max Planck vì Hòa bình Quốc tế và Pháp quyền tại Đức, nói với BBC News Tiếng Việt rằng: “Vấn đề Hoàng Sa năm 1974 khó có thể giải quyết bằng con đường tòa án.”

Lý giải điều này, bà Trang nói rằng “sự kiện tại Hoàng Sa năm 1974 là việc một quốc gia sử dụng vũ lực đánh chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác và điều này hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.”

“Tuy nhiên, việc khởi kiện tại các tòa án quốc tế cần có sự đồng ý của cả hai quốc gia liên quan.

“Và như chúng ta đã biết, Tàu cộng luôn có thái độ kiên quyết chống lại việc mang các tranh chấp tại Biển Đông ra tòa.”

Chiến thuật ‘vùng xám’

Một tàu Cảnh sát biển Tàu cộng tiếp cận một tàu dân sự Philippines (trái) đang làm nhiệm vụ tiếp tế cho ngư dân và quân đội Phillippines trên Biển Đông ngày 10/12/2023 (Getty Images)

Mặc dù vậy, không phải là đã hết cách để đưa Tàu cộng ra tòa quốc tế.

Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Minh Trang đề cập tới chiến thuật ‘vùng xám’ (grey zone operations) mà Tàu cộng hiện đang áp dụng.

Một ví dụ gần đây là việc một tàu Cảnh sát biển Tàu cộng phun vòi rồng vào một tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây trên Biển Đông hồi tháng 11/2023 nhằm buộc tàu này phải thay đổi lộ trình.

Bà Trang nhận định rằng hình thức xung đột có cường độ chậm này được Tàu cộng sử dụng ngày càng nhiều hơn trong năm qua để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Việt Nam và Philippines thường xuyên là mục tiêu của các hoạt động như vậy.

Các quốc gia có quyền lợi hợp pháp trên vùng biển này hoàn toàn có thể áp dụng Công ước Luật Biển để đơn phương khởi kiện Tàu cộng ở một số vấn đề liên quan, theo chuyên gia Phạm Ngọc Minh Trang.

Tàu Hải tuần 03 của Cục Hải sự thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc chuẩn bị rời cảng Hải Khẩu ở Hải Nam để tuần tra Hoàng Sa vào ngày 8/6/2023 (Getty Images)

Các tình huống ‘vùng xám’

‘Vùng xám’ được định nghĩa là “một không gian hoạt động nằm giữa chiến tranh và hòa bình, liên quan đến các hoạt động mang tính cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng, theo tác giả Collin Koh trong bài “David và Goliath: Các nước Đông Nam Á có thể chống lại chiến lược vùng xám hung hăng của Tàu cộng ở Biển Đông… với sự trợ giúp” trên Tạp chí Hải quân Mỹ.

Các hoạt động này thường dưới ngưỡng một cuộc xung đột vũ trang (ví dụ như Tàu cộng sử dụng vòi rồng và laser, hay đơn vị thực hiện các hành vi này không phải hải quân mà là hải cảnh và tàu cá) và trong hầu hết các trường hợp, thường làm mờ đi ranh giới giữa các hoạt động quân sự và phi quân sự.

Theo định nghĩa này, các tình huống ‘vùng xám’ thường bao gồm:

1. Sự việc đã rồi;

2. Sự mơ hồ mang tính răn đe;

3. Chiến tranh hỗn hợp (ủy quyền).

Các nước Đông Nam Á giáp Biển Đông đã gặp phải cả ba hình thức này do Tàu cộng gây ra.

Sự việc đã rồi: Tàu cộng xây dựng và củng cố các công trình quy mô lớn ở Biển Đông, dẫn đến sự thay đổi vĩnh viễn hiện trạng. Các nước đối thủ sẽ không thể đảo ngược tình thế trừ phi họ phá hoặc chiếm các tiền đồn nhân tạo này, mà điều đó có nghĩa là bước vào một cuộc xung đột vũ trang toàn diện với Bắc Kinh.

Sự mơ hồ mang tính răn đe: Là một loạt các hành động dưới ngưỡng xung đột vũ trang, một số có vẻ vô hại hoặc vụn vặt, nhưng theo thời gian sẽ làm xói mòn quyền lực hoặc vị thế của các nước là nạn nhân. Bắc Kinh đã thông qua luật hàng hải mới nhằm tăng cường sự quản lý của nước này ở Biển Đông, dù chúng vi phạm luật quốc tế.

Chiến tranh ủy quyền: Ví dụ tiêu biểu nhất là các hoạt động của Lực lượng Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân Dân Tàu cộng với các hoạt động “kéo bầy đàn, đâm va và đánh chìm tàu cá nước ngoài tại các vùng biển tranh chấp”.

Thách thức

Chuyên gia cho rằng các nước cần phối hợp để chống lại chiến thuật vùng xám của Tàu cộng trên Biển Đông (Getty Images)

Theo bà Phạm Ngọc Minh Trang, điều khó của việc đối phó với các hành vi này trên thực địa là "chúng ta vừa phải biết kiềm chế để không đẩy tình hình lên thành một cuộc xung đột vũ trang, vừa phải ngăn không cho Tàu cộng xâm phạm quyền chủ quyền trong vùng biển của Việt Nam" (quyền đánh bắt cá và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa).

Ngoài ra, vấn đề còn do các hoạt động ‘vùng xám’ của Tàu cộng thường không được chú ý, theo bài viết nhan đề “Làm thế nào để giúp ASEAN giải quyết thách thức ‘vùng xám’ trên Biển Đông” của tác giả Đỗ Hoàng đăng trên website Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

Lý do là các tàu dân quân của Tàu cộng thường tắt hệ thống định vị tự động (AIS) và thay vì thế dùng máy phát sóng tần ngắn, do đó khó bị định vị. Hệ thống AIS cũng có thể bị can thiệp và không phản ánh được bức tranh toàn cảnh. Ví dụ, trong một vụ việc xảy ra trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5/2023, các tàu khảo sát của Tàu cộng bật AIS và bị các công cụ theo dõi nguồn mở phát hiện, nhưng rất khó giải mã các xu hướng hành vi và hoạt động của các tàu này.

Một tàu cá hoạt động gần đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 8/2022 (Getty Images)

Giải quyết thách thức ‘vùng xám’

Đó là khi các sáng kiến tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) của các tổ chức quốc tế như QUAD (bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) và Liên minh châu Âu (EU) có thể phát huy tác dụng, theo tác giả Đỗ Hoàng.

Các sáng kiến này có thể cung cấp nhiều lớp dữ liệu thời gian thực trong một khu vực địa lý rộng lớn, vượt qua giới hạn của các công cụ giám sát bằng định vị hiện có bằng cách tích hợp cơ sở dữ liệu dựa trên quang điện, tần số vô tuyến, trí tuệ nhân tạo và các cơ sở dữ liệu khác, để phát hiện các tàu khi thiết bị định vị của chúng bị tắt và để cung cấp ảnh chất lượng cao về hoạt động của các tàu này, theo tác giả Đỗ Hoàng.

Với nhiều nước Đông Nam Á có nguồn lực hạn chế, việc có MDA tốt sẽ mang lại các cách thức hiệu quả hơn để triển khai lực lượng nơi cần họ nhất. Trong các thập kỷ trước, Đông Nam Á là bên hưởng lợi cơ bản từ hỗ trợ của Mỹ trong xây dựng năng lực an ninh hàng hải, tập trung phần lớn vào MDA.

Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã nhận hệ thống máy bay không người lái ScanEagle và được tạo điều kiện triển khai tối ưu năng lực hàng hải vốn hạn chế để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông.

Mặc dù vậy, theo ông Collin Koh, các nước cùng có quyền lợi trong khu vực Biển Đông cần có nhiều năng lực về khí tài hơn để có thể đối phó hiệu quả hơn với các lực lượng của Tàu cộng trong vùng biển tranh chấp.

Các cường quốc ngoài khu vực đã tăng cường hỗ trợ cho hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển trong khu vực. Các ví dụ bao gồm việc chuyển giao các tàu tuần tra cũ của Cảnh sát biển Hoa Kỳ cho Việt Nam và Philippines và việc Nhật Bản cung cấp các tàu tuần tra ngoài khơi đã qua sử dụng và mới cho Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Tuy nhiên, những nỗ lực này không đủ để giúp các quốc gia Đông Nam Á lấp đầy khoảng trống năng lực của họ. Nếu không có sự can thiệp đáng kể hơn của Mỹ và đồng minh, sự bất cân xứng về lực lượng hàng hải giữa các nước Đông Nam Á và Tàu cộng sẽ vẫn tồn tại. Các biện pháp giúp các quốc gia này tăng cường năng lực đóng tàu trong nước sẽ giúp họ tự đóng tàu tuần tra ngoài khơi, ông Collin Koh phân tích.

Cung cấp năng lực vật chất để các nước này chống lại sự o ép trên biển của Tàu cộng là cần thiết. Nhưng chỉ tặng thiết bị cho các đối tác sẽ không đủ nếu không đi kèm với những nỗ lực củng cố các yếu tố vô hình quan trọng như ý chí chính trị quốc gia và hợp tác liên ngành.

Do mối quan hệ không rõ ràng giữa Hải quân Tàu cộng (PLAN), Cảnh sát biển Tàu cộng, tức Hải cảnh (CCG) và Dân quân biển có vũ trang của Tàu cộng (PAFMM) ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á buộc phải xem xét lại và tăng cường các nỗ lực hàng hải liên ngành của mình.

Điều quan trọng nữa là không được đánh mất nhu cầu bao quát là đảm bảo một cách tiếp cận nhất quán, rõ ràng và đồng lòng giữa các bộ ban ngành chính phủ, và giữa các quốc gia, đối với hành vi vùng xám hung hăng của Tàu cộng, ông Collin Koh chỉ ra.

Cuối cùng, theo bà Minh Trang, có thể phân tích và đánh giá các hoạt động “vùng xám” này bằng luật quốc tế, quan trọng nhất là Công ước Luật biển 1982 mà đa số các nước ASEAN cho rằng là khuôn khổ pháp lý cơ bản và đầy đủ nhất để thực hiện các hành vi trên biển.

Trong Công ước Luật biển, các quốc gia có quyền đơn phương khởi kiện ở một số vấn đề liên quan, và nếu áp dụng tốt các biện pháp này, việc mang Tàu cộng ra toà án quốc tế là hoàn toàn khả thi, bà Trang nói. (BBC)

 

Posted: 19/01/2024 #views: 728
Add comment
:
Pages:  [-1]