VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
TRUNG CỘNG, ĐẾ QUỐC DỐI LỪA VÀ CUỘC SO GĂNG VỚI MỸ

 

(Ảnh minh họa. AP - Andy Won)

Thụy My (RFI) - Bảy triệu người trên thế giới đã chết vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán. Ba năm sau đại dịch, những tài liệu gây bối rối cho Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Phá hoại mọi cuộc điều tra, Trung cộng còn đổ tội cho Mỹ, bắt tay với Nga để xây dựng trật tự quốc tế mới. Theo chuyên gia François Godement, đó là một trật tự « low cost », cá lớn nuốt cá bé ; The Economist nhận thấy Hoa Kỳ đang cố khống chế con cọp Trung cộng.

Covid : Giả thiết virus từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được đưa ra rất sớm

Ông Tập Cận Bình kỳ này đã soán ngôi Ukraina, trở thành chủ đề chính của nhiều tuần báo. Chân dung chủ tịch Trung cộng chễm chệ trên trang bìa Le Point với tựa lớn « Trung cộng, đế quốc dối lừa », tờ báo hài ra « giấu diếm nguồn gốc đại dịch Covid, lập lờ đánh lận con đen với Putin và phương Tây ». The Economist đăng hình vẽ Chú Sam đang so găng với một con gấu trúc dữ dằn, chạy tít « Mỹ đấu với Trung cộng ». Trên nền hai màu đen, đỏ, L’Express đưa logo ứng dụng TikTok của Trung cộng đang phổ biến trên thế giới, cho rằng đây là « Kẻ thù nguy hiểm ».

Hồ sơ của Le Point đặt vấn đề : Bảy triệu người trên thế giới đã chết vì con virus xuất xứ từ Vũ Hán, làm thế nào mà thảm họa dịch tễ lớn nhất thế kỷ 21 vẫn luôn là một bí ẩn ? Ba năm sau đại dịch, những tài liệu và bằng chứng gây bối rối cho Bắc Kinh bắt đầu xuất hiện. Nhà báo Julien Peyron đã viết hẳn một cuốn sách mang tựa đề « Nhân danh khoa học », tiết lộ những diễn tiến trong hậu trường ở Bắc Kinh, Washington và Paris.

Theo đó, giả thiết con virus thoát ra từ phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán đã được bí mật nêu ra ngay từ đầu, nhất là từ các nhà lãnh đạo Pháp. Hôm 22/04/2020, Hội đồng Quốc phòng đã chất vấn ông Alain Mérieux, người chịu trách nhiệm chương trình xây dựng phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán do Pháp tài trợ và đào tạo. Cuối 2020, một số nhà khoa học Mỹ đã nhận xét nguồn gốc con virus không thể trong tự nhiên mà đã được sản xuất hay biến đổi trong phòng thí nghiệm.

« China virus » và việc Bắc Kinh gắp lửa bỏ tay người

Về phía Bắc Kinh phá hoại tất cả những cuộc điều tra, hủy hàng ngàn trang trên internet của các trung tâm nghiên cứu Trung cộng, không cho lấy mẫu ở khu chợ bán thú hoang Hoa Nam. Nhà Trung cộng học Mathieu Duchâtel nhấn mạnh, sự nhập nhằng được Bắc Kinh coi là ưu thế chiến lược của mình.

Tại Mỹ, đảng Cộng Hòa đã lập một số ủy ban điều tra nhắm vào các nhà nghiên cứu hợp tác với Trung cộng, bị cáo buộc muốn bóp nghẹt xì-căng-đan xuất xứ nhân tạo của virus. Và Nhà Trắng vừa quyết định cho giải mật các thông tin đã khiến bộ Năng Lượng và FBI nhấn mạnh khả năng một tai nạn phòng thí nghiệm. Trong khi người Mỹ lao vào con đường tìm kiếm sự minh bạch, Bắc Kinh vẫn câm lặng và xích lại gần với Matxcơva.

Ông Trump không phải bỗng dưng lên án Trung cộng, trên thực tế ông chỉ trả đũa sau khi Bắc Kinh cáo buộc Washington đã « tạo ra con virus ». Hôm 12/03/2020, phát ngôn viên « chiến binh sói » Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) của bộ Ngoại Giao Trung cộng họp báo nói về khả năng này. Ông ta chia sẻ trên Twitter một trang web đáng ngờ ở Canada là Global Research, dẫn bài viết của « Larry Romanoff » tự cho là giáo sư đại học Phục Đán ở Thượng Hải.

Theo điều tra năm 2021 của IRSEM, trung tâm tư vấn liên kết với bộ Quốc Phòng Pháp, thực ra tác giả 80 tuổi này chỉ là một người làm ăn với Trung cộngc từ hơn 20 năm, quản lý một số trang web chuyên tung tin giả chống Mỹ. Một « kẻ ngốc hữu dụng », có thể được đảng cộng sản giựt dây. Vị giáo sư giả hiệu sáng tác ra một câu chuyện ly kỳ, mà đoạn cuối là con virus được các vận động viên Mỹ mang vào Vũ Hán trong Thế vận hội quân đội năm 2019, nhưng không hề đưa ra một bằng chứng khoa học nào. Thế nên ngày 17/03/2020 tổng thống Mỹ Donald Trump mới tức giận tố cáo « con virus Trung cộng ».

Trật tự thế giới theo kiểu Trung cộng : « Cá lớn nuốt cá bé »

Coi Tập Cận Bình là « kiến trúc sư của một trật tự thế giới mới », tuần báo Pháp nhắc lại câu nói của chủ tịch Trung cộng với ông Vladimir Putin trong cuộc gặp mới đây ở Matxcơva : « Hiện đang có những thay đổi chưa từng thấy từ 100 năm qua, và chính chúng ta đang dẫn dắt ». Đó là cách mà hai kẻ thù của phương Tây tóm tắt cách thức chia lại ván bài quốc tế. Hai nhà lãnh đạo này hiểu rõ về nhau nhất thế giới : đã gặp gỡ 40 lần, và những cuộc điện đàm thì vô số. Lần công du Matxcơva thứ 9 của Tập Cận Bình được dán nhãn « nhiệm vụ hòa bình », nhưng dường như ông Tập chẳng buồn quan tâm đến việc Nga xâm lăng Ukraina.

Việc Iran và Ả Rập Xê Út làm hòa sau bốn ngày đàm phán ở Bắc Kinh gây ngạc nhiên, nhưng thực ra vai trò hòa giải của Trung cộng không nhiều. Sân bãi đã được dọn sẵn nhiều tháng trước bởi Irak, Bắc Kinh chỉ là nhân tố mới nhất. Ý tưởng « Pax Sinica » (Thái Bình Trung Hoa) được nêu ra có phần vội vã, theo chuyên gia Jean-Loup Samaan của đại học Singapore, vì không chắc gì bền vững, vả lại Bắc Kinh rất cần an ninh cho các tuyến hàng hải vùng Vịnh - hiện đang được Hải quân Hoa Kỳ bảo đảm chứ không phải Trung cộng.

Thế nào là « cộng đồng nhân loại cùng chung vận mạng » như ông Tập vẫn rao giảng ? Chuyên gia François Godement, Viện Montaigne tóm tắt : « Trung cộng muốn một trật tự quốc tế giá rẻ, càng ít ràng buộc càng tốt, chỉ nhằm bảo đảm thương mại. Tầm nhìn của Bắc Kinh trên thực tế là một sự phân rã hoàn toàn, trong đó cá lớn nuốt cá bé ». Nhà nghiên cứu Alexey Muraviev, đại học Curtin (Úc) đặt nghi vấn khi ngày 21/03 đã có một loạt cuộc họp kín giữa ông Tập và Putin với sự tham dự của các quan chức cao cấp của Nga về an ninh quốc phòng. Tuy nhiên không có thông báo nào liên quan đến lãnh vực này, trong khi sự hiện diện của nguyên thủ thường vào lúc các hợp đồng đã được thỏa thuận xong.

Chận đứng độc tài Nga-Trung : Vẫn còn kịp

Trước tham vọng của chế độ Trung cộng và Nga nhằm xóa bỏ các nền dân chủ, nhà báo Nicolas Baverez trên Le Point kêu gọi « Ngăn cản các đế quốc độc tài ». Tác giả bài viết cho rằng vẫn còn thời gian để thế giới tự do có thể đối phó.

Tình hình địa chính trị năm 2022 khá u ám cho các chế độ độc tài. Trung cộng đối mặt với dân số giảm mạnh, kinh tế sa sút và tham vọng bành trướng bị phản ứng. Nga đang trong ngõ cụt hoàn toàn, lối thoát duy nhất là trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Các giáo sĩ Iran bị người dân ồ ạt nổi dậy chống đối, Thổ Nhĩ Kỳ trong tình trạng thê thảm sau động đất. Ngược lại Ukraina chiến đấu bảo vệ tổ quốc rất hiệu quả, các quốc gia dân chủ châu Âu và châu Á tái vũ trang, Hoa Kỳ bênh vực Ukraina và Đài Loan, NATO mở rộng sang Phần Lan và sắp tới là Thụy Điển, AUKUS hình thành và Hàn Quốc, Nhật Bản đang xích lại gần.

Tuy nhiên một trật tự thế giới mới do Bắc Kinh chủ trương và được Matxcơva ủng hộ có thể đặt phương Tây ra ngoài lề, với sự dẫn dụ các nước phương nam. Các chế độ tự do vẫn là thiểu số : chỉ có 21 quốc gia dân chủ hoàn toàn, và 53 nước chưa hoàn chỉnh ; lại không có chiến lược dài hạn trước các đế quốc toàn trị. Tác giả đề ra năm hướng : Tái lập răn đe quân sự, chiếm hàng đầu công nghệ, củng cố sức kháng cự, đối thoại với xã hội dân sự của các chế độ độc tài, giúp các nước phương nam bớt lệ thuộc vào Trung cộng và Nga.

Mỹ và Trung cộng : Một rừng không thể có hai cọp

The Economist nhận thấy ông « Joe Biden đang cố gắng khống chế con cọp Trung cộng », đồng thời tỏ ra lo ngại khi « Cuộc đối đầu Mỹ-Trung bước vào một giai đoạn mới nguy hiểm ». Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, mỗi bên đều có lý lẽ của mình. Các nhà ngoại giao ở Bắc Kinh ghi nhận một không khí thù địch rõ rệt nơi các quan chức Hoa lục, họ tin rằng Mỹ muốn bóp chết Trung cộng, o ép cho đến khi Bắc Kinh phục tùng, chỉ là « một con mèo mập chứ không phải là cọp ». Các nhà kỹ trị tuy được đào tạo ở phương Tây nhưng nay biện luận rằng toàn cầu hóa phải phục vụ cho mục tiêu chính trị của ông Tập.

Phía Mỹ lo lắng trước sự bành trướng của Trung cộng tại châu Á, một quốc gia độc đảng nay chỉ do một con người quyết định - đàn áp xã hội dân sự và bắt tay với Putin. Việc gì phải để cho một chế độ toàn trị sử dụng các phát minh của mình rồi trở nên nguy hiểm hơn ?

Trong khoảng 40 năm trước khi ông Donald Trump đắc cử, các đời tổng thống Mỹ liên tiếp đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung cộng. Khi đón tiếp Hồ Cẩm Đào tại Tòa Bạch Ốc, Barack Obama tuyên bố: « Tôi hoàn toàn tin rằng sự trỗi dậy hòa bình của Trung cộng là tốt cho thế giới và tốt cho nước Mỹ ». Ngày nay, lời bảo đảm này nghe như chuyện cổ tích. Một rừng không thể có hai cọp. (RFI)

 

Posted: 01/04/2023 #views: 1519
Add comment
:
Pages:  [-1]