VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
NGÀY CÁ THÁNG TƯ: NHỮNG TRÒ ĐÙA “KINH ĐIỂN” VÀ TAI HẠI

 

Dù được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư vẫn không rõ ràng. (Getty Images)

Hoàng Tuấn - Dù được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư vẫn không rõ ràng. Kể từ khi ra đời, đã có rất nhiều trò đùa thú vị gây được sự chú ý của đám đông, nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít sự cố được tạo nên từ những “trò đùa tưởng vui” trong dịp này.

Nguồn gốc của Cá tháng Tư

Dù được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư vẫn không rõ ràng. Một số nhà sử học tin rằng sự ra đời của “ngày nói dối” bắt đầu từ năm 1582, liên quan đến sự kiện thay đổi lịch mừng năm mới của Pháp.

Năm 1564, quốc gia châu Âu này quyết định chuyển từ lịch Julius sang dùng lịch Gregory do Giáo hoàng Gregory XIII ban hành. Theo đó, lịch mừng năm mới chuyển từ tuần cuối cùng của tháng 3, đầu tháng 4 sang ngày 1/1.

Lúc bấy giờ, do sự hạn chế của việc truyền đạt thông tin, nên những người ở vùng quê hẻo lánh vốn nhận tin tức chậm hơn - không nhận ra rằng thời điểm bắt đầu năm mới đã chuyển sang ngày 1 tháng 1. Vẫn theo thói quen cũ, họ tiếp tục tổ chức các lễ hội đón năm mới trong suốt tuần cuối cùng của tháng 3 đến hết ngày 1 tháng 4. Điều này khiến họ bị chế giễu là “những kẻ ngốc tháng 4”, dần dần ngày này cũng trở thành April Fool’s Day (ngày nói dối).

Những trò đùa trong dịp này bao gồm dán cá giấy trên lưng người khác và được gọi là “poisson d'avril” (cá tháng Tư), tượng trưng cho một con cá non, dễ bắt hoặc ý chỉ một người cả tin, khù khờ.

Một truyền thuyết khác ở Anh lại cho rằng việc nói dối trong ngày 1/4 bắt nguồn từ cuốn truyện The Canterbury Tales (Những câu chuyện cổ tích) của nhà văn Geoffrey Chaucer ra đời năm 1392. Trong cuốn truyện, Chaucer viết 32 ngày sau tháng Ba, tức muốn nói đến ngày 2/5. Song, nhiều độc giả lại hiểu nhầm thành ngày 32 của tháng 3 hoặc ngày 1/4. Từ đây, ngày đầu tiên của tháng 4 trở thành ngày nói dối vô hại.

Ngoài ra còn có suy đoán rằng Ngày Cá tháng Tư gắn liền với tiết xuân phân, hoặc ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu, khi Mẹ Thiên nhiên đánh lừa con người bằng thời tiết thay đổi, không thể đoán trước.

Cá tháng Tư không phải là ngày lễ chính thức nhưng vẫn là một phong tục truyền thống ở nhiều quốc gia. Trong dịp này, việc bạn cố ý nói dối với ai đó sẽ hoàn toàn không bị trách cứ, nhưng một số quốc gia cho rằng việc nói dối cần phải chấm dứt vào giữa trưa, nếu không, người pha trò sẽ gặp xui xẻo.

Mặc dù vậy, thế giới đã không ít lần chứng kiến những trò đùa “kinh điển” gây được sự chú ý của đông đảo quần chúng.

Những trò đùa “kinh điển”

1957: Mỳ Ý mọc trên cây

Vào ngày 1 tháng 4 năm 1957, đài BBC đã phát sóng một chương trình giả, trong đó một gia đình nông dân Thụy Sĩ đang thu hoạch sợi mì ống từ... cây spaghetti của họ.

Ở Anh vào thời điểm đó, mì Ý vẫn còn là một món ngon kỳ lạ với nguồn gốc bí ẩn, nên rất nhiều khán giả đã bị mắc lừa. Một số người thậm chí còn gọi đến tổng đài để hỏi cách trồng cây mì Ý. Lúc bấy giờ, BBC đã đưa ra gợi ý rằng: "Đặt một nhánh mì Ý trong hộp nước sốt cà chua và hy vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra".

Năm 1962: Phủ màn hình bằng đôi tất để xem tivi màu

Vào ngày 1 tháng 4 năm 1962, một chuyên gia kỹ thuật của kênh truyền hình Thụy Điển đã đưa ra một thông báo thú vị.

Ông nói rằng, bằng cách kéo căng một đôi tất co dãn và dán nó lên màn hình, mọi người có thể xem chương trình phát sóng đen trắng thông thường với màu sắc tuyệt đẹp. Nhiều người cả tin vội vã làm theo, cuối cùng thất vọng khi đôi tất không thể làm gì khác ngoài việc che khuất màn hình.

Thực tế, phải đến 8 năm sau (1/4/1970), chương trình truyền hình có màu đầu tiên mới được ra mắt tại Thuỵ Điển.

Năm 1976: Trái Đất mất trọng lực

Cũng lại là đài BBC, vào ngày 1 tháng 4 năm 1976, họ tiếp tục một trong những trò đùa kinh điển khác trong ngày Cá tháng Tư của mình.

Nhà thiên văn học Sir Patrick Moore nói với thính giả rằng, vào lúc 9:47 sáng ngày hôm đó, sự thẳng hàng tạm thời của Sao Diêm Vương và Sao Mộc sẽ làm giảm lực hấp dẫn trên Trái đất, cho phép con người bay lên trong một thời gian ngắn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, vào lúc 9:48, hàng trăm người gọi điện tới tổng đài nói rằng họ đã lơ lửng trong không khí.

Năm 2013: ca sĩ Việt Nam ‘dính chiêu’ Cá tháng Tư

Vào tháng 4/2013, một người bạn của Cao Thái Sơn bất ngờ đăng tải lên Facebook hình ảnh nam ca sĩ bị tai nạn với vết thương nghiêm trọng bên má phải, kèm với dòng trạng thái:

“Nhìn thấy tấm hình mà tâm trạng bất an, không biết chuyện gì đã xảy ra... chỉ mong rằng mọi điều tốt lành sẽ đến với anh. Cố lên my bro...".

Trong khi đó, đoạn tâm sự ngắn xuất hiện trên tài khoản Facebook cá nhân của Cao Thái Sơn càng củng cố thêm tính chân thực của sự việc:

"Một chuyện kinh khủng đã xảy ra đêm qua, không biết đến bao giờ mình mới gặp lại khán giả trở lại được đây. Nước mắt cứ rơi mà chẳng thể kìm lại được. Ai muốn nghĩ rằng Cá tháng tư thì cứ nghĩ, vì vô tình ngày hôm nay rơi đúng ngày này. Sơn đã cancel hết lịch diễn và kế hoạch sắp tới rồi. Cô đơn một mình. Sơn xin lỗi muốn nói với các bạn từ giờ Sơn sẽ tạm ngưng hát và biểu diễn. Tạm biệt FB và các bạn”.

Rất nhiều cư dân mạng và người hâm mộ đã bày tỏ sự lo lắng và chia sẻ với “hoàn cảnh” của Cao Thái Sơn. Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng đây chỉ là trò lừa bịp mà nam ca sĩ cố gắng dựng nên.

Khi nam ca sĩ thông báo rằng đây chỉ là trò đùa cợt, anh đã vấp phải rất nhiều lời chỉ trích.

Những trò đùa tai hại

13.000 dân sơ tán vì "người ngoài hành tinh" đổ bộ

Ngày 1/4/2010, tờ Al Ghad của Jordan đăng thông báo tuyên bố một phi thuyền của người ngoài hành tinh đã hạ cánh gần thị trấn Jafr, với những sinh vật cao tới 3m và tất cả các phương tiện liên lạc đều bị vô hiệu hóa.

Người dân rơi vào trạng thái hoảng loạn, bỏ việc, bỏ nhà để sơ tán khẩn cấp. Thị trưởng của thị trấn Jafr, ông Mohammed Mleihan liền thông báo cho các cơ quan an ninh và chuẩn bị đưa ra lệnh di tản toàn bộ 13.000 cư dân của thị trấn.

Sự việc ngày càng đi quá xa so với mục đích ban đầu, các phóng viên của tờ báo đã phải đăng đàn xin lỗi công khai và đối mặt với một vụ kiện.

Mất việc vì nói dối về cái chết của thị trưởng

Ngày 1/4/1986, hai MC của chương trình phát thanh Opie và Anthony là Greg “Opie” Hughes và Anthony Cumia đùa cợt rằng ông Thomas Menino, thị trưởng của thành phố Boston (bang Massachusetts, Hoa Kỳ) đã bị mưu sát.

Tại thời điểm chương trình phát sóng, ông Menino đang trên máy bay, cùng với việc hai MC liên tục cài cắm những thông tin “có vẻ chính xác”, khiến dân chúng đều bị mắc bẫy và cảm thấy thương xót cho ngài thị trưởng.

Sự việc sau đó nhanh chóng bị phơi bày, ông Menino rất tức giận và yêu cầu trừng phạt đài phát thanh. Cuối cùng, hai MC nói trên đã bị sa thải, và chương trình cũng bị ngừng phát sóng từ thời điểm đó.


Hoàng Tuấn (ntdvn)

 

Posted: 01/04/2021 #views: 1549
Add comment
:
Pages:  [-1]