VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG BÂY GIỜ

 

Đồng bằng sông Cửu Long – Wikipedia tiếng Việt

Bản đồ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Phần)

Nguyên Quang - Đời sống người nông dân đồng bằng Sông Cửu Long vốn dĩ bình yên và trù mật mấy trăm năm nay, buổi sáng chỉ cần xách giỏ ra đồng, xách lưới ra sông và bưng rổ ra vườn xem như có đủ thức ăn cho bữa cơm, dân dã, bổ dưỡng và ngon miệng… Nhưng đó là câu chuyện của một thời, còn hiện tại, đời sống của người nông dân nơi đây thực sự khó khăn bởi con nước. Nói tới nơi này, có thể nói rằng nhịp sống, nhịp thở, nhịp sinh tồn của con người hoàn toàn phụ thuộc vào nhịp thở của sông, của con nước, khi con nước thay đổi, đời sống con người buộc phải thay đổi theo, tốt hay xấu tùy thuộc vào sự vui vẻ hay giận dữ của con nước.

Bỏ ruộng, bỏ vườn đi làm thuê không còn là chuyện hiếm ở miệt Cửu Long. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Khi con nước nổi giận

Sự thay đổi nhịp điệu lên xuống của các con sông miệt Cửu Long nhanh chóng làm cho nhịp sống của người dân nơi đây thay đổi, đáng buồn là sự thay đổi theo chiều hướng ngày càng xấu đi. Anh Tải, một nông dân nhiều đời bám ruộng ở ngoại ô thành phố Long Xuyên, An Giang, chia sẻ, “Năm nay tình hình xấu hơn năm trước, cứ mỗi năm, tình hình lại xấu thêm một chút!”

Tôm, cá, cua không còn nhiều như trước (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Xấu như thế nào, anh có thể chia sẻ không?”

“Mọi thứ thay đổi, vụ mùa thay đổi, đồng ruộng bây giờ khô cằn và con nước không có phù sa như ngày xưa, mùa khô là đất nứt nẻ, tự dưng mùa khô năm nay nước sông dâng cao, nhưng nó dâng cao trong sự bất ngờ, nghe đâu do thủy điện bên Trung Quốc họ xả đập, như vậy là ảnh hướng nặng đến vụ mùa của mình cũng chẳng tốt đẹp gì, vì mình canh tác theo nhịp điệu lâu nay, canh nước cũng theo nhịp lâu nay, khi nước lên bao nhiêu, ròng bao nhiêu đã có chừng, chỉ cần thay đổi đột ngột như vậy thì nhiều cánh đồng đang sạ coi như hỏng hết. Mà anh biết rồi đó, chỉ có duy nhất đồng bằng sông Cửu Long là nơi ít có trạm bơm thủy lợi nhất nước, mọi vấn đề canh tác đều tùy thuộc vào điều tiết thủy triều tự nhiên. Thế nhưng vài năm trở lại đây, đã xuất hiện một số trạm bơm thủy lợi, như vậy chứng tỏ mùa khô rất là khốc liệt”

Đời sống ngày càng trở nên lạ lùng... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Mùa khô nước dâng cao thì tốt chứ sao lại lo anh?”

“Bình thường mà mùa khô có nước thì mừng lắm, vì con nước mang phù sa về cho mình, với lại tránh được hạn hán. Nhưng một khi mùakhô bị hạn chế nước như mấy năm trước, tình trạng ngập mặn xảy ra khắp nơi, thì phía hạ lưu, người ta phải xây dựng nhiều đập ngăn mặn để giữ con nước ngọt lại cho ruộng, các huyện có ruộng cao phải đưa máy bơm vào hoạt động. Chính các đợt thủy triều bất ngờ do xả đập này sẽ giết chết các máy bơm, chúng bị ngập trong nước, thiệt hại không nhỏ và nguy hiểm vì nhiễu điện, đó là chưa nói tới các con đập ngăn mặn sẽ trở thành cái bẫy giữ nước khi thủy triều tăng đột ngột. Chính vì vậy mà nhà nông cứ luôn thấp thỏm”

Những con đập ngăn mặn cũng oằn lưng với nước dâng mùa hè. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh thấy lượng phù sa năm nay ra sao?”

“Cũng chẳng tốt hơn mọi khi, thậm chí dở tệ, năm nay nước về ào ào vậy chứ trong veo, chẳng thấy phù sa đâu, vì mùa mưa, núi non lở lói tít tận bên Tây Tạng, rồi chảy dọc theo đôi bờ, mang phù sa về đây, nhưng mùa mưa người ta tích nước lòng hồ, đến mùa khô mới xả, lúc này nước trong veo, lắng cặn hết rồi. Còn trường hợp mùa mưa thừa nước, người ta xả đập thì ôi thôi, khó mà nói được mức độ rủi ro, vì cái phù sa kiểu mùa mưa mà cứ ngồi ngóng nước lên, nước nổi chẳng thấy đâu, có khi cả mùa mưa chẳng thấy nước nổi, rồi đùng cái nước dâng ồ ạt vì bên kia họ xả đập, cái nhịp điệu này quá mới mẻ và nó không còn là đời sống của dân mình nữa, canh tác, làm ruộng rất là khó…”

Nông dân khắp nơi trở nên khốn đốn (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Anh thấy đời sống nhà nông bị thay đổi ra sao, về gia đình anh chẳng hạn?”

“Nhìn chung đời sống người nông dân thay đổi nhiều lắm, bỏ ruộng, bỏ vườn đi làm thuê là có nhiều rồi, người nông dân chủ yếu dựa vào hột lúa, hột gạo, nhưng bây giờ người ta chẳng tha thiết với hột lúa, hột gạo hay đồng ruộng nữa mà người ta chuyển sang đi làm thuê, bỏ ruộng hoặc cho thuê ruộng, mà đi làm thuê thì biết rồi đó, chẳng mấy đồng, khổ trăm điều, nên ước mơ đùng một cái đất được qui hoạch, giải tỏa đền bù vẫn là ước mơ lớn nhất, tôi cũng ước mơ như vậy. Mà anh biết rồi đó, nông dân miệt này vốn sống rất tài tử, có tiền thì đờn ca sáo thổi, chơi cho hết gas mới chịu, chính vì vậy, khi mà cái đời sống ổn định bị thay đổi bằng một cái nhịp lạ lùng thì mọi thứ nó trở nên lạ lùng thôi, anh thấy đó, con gái miền Tây, bây giờ nói tới gái miền Tây thì ra sao anh biết rồi!”

Thở mệt sau đại dịch

Khi phố huyện lên đèn, nhiều gia đình ở miệt Cửu Long mất dần sự bình yên. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Tình trạng người dân bỏ ruộng đồng, chặt phá cây trái không chỉ riêng đồng bằng sông Cửu Long mà hầu hết các vựa trái cây từ miền Trung trở vào đều y như vậy, Phan Rang chặt bỏ vườn thanh long, Phan Rí bỏ không những gian nho, miệt Tây Nam Bộ gần như chẳng còn tha thiết với ruộng vườn và bỏ xứ đi làm thuê. Nhưng bỏ xứ bây giờ cũng là chuyện khó, do dịch giã, mọi thứ đều ngưng trệ. Hầu hết muốn chạy về quê vì thành phố trở nên nguy hiểm, chết chóc, nhưng ở quê không có gì để sống, lại chạy lên phố để kiếm việc sinh nhai, mọi thứ trời đất đảo lộn.

Tình trạng của gia đình anh Bé Hợp, người dân Đất Mũi, Cà Mau hình như là tình trạng chung của rất nhiều gia đình đồng bằng sông Cửu Long, ôm nghề làm ruộng cùng với nghề sông nước, đời sống mang dáng dấp hái lượm thuận tự nhiên và cầu trông vào lộc trời cho dù thời đại công nghiệp vẫn có mặt bên cạnh. Tuy nhiên, mọi thứ khó khăn chồng chất khiến cho công cuộc hái lượm của họ trở nên gay cấn và mệt mỏi. Anh Bé Hợp chia sẻ, “Nhìn bên ngoài thì có vẻ ổn định nhưng thực sự đời sống tụi tôi năm nay mệt mỏi lắm!”

Dịch giã khiến mọi thứ đảo lộn khi người phố về quê, người quê tìm đường ra phố. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Mệt mỏi như thế nào, anh có thể chia sẻ không?”

“Thì ở trên phố đổ xô về đây sau đợt giới nghiêm, phong tỏa cả thành phố, rồi chết chóc khắp thành phố, hầu như chẳng ai còn tha thiết lên thành phố tìm việc trở lại, đó là tâm lý của người từng sống trọ vàlàm việc trên thành phố. Nhưng rồi khi mọi người đổ xô về quê thì sao, thì chẳng có gì để sống, ngay cả người bám ruộng như tôi đây mà cũng thấy ngột ngạt, phải trông chờ vào ít nhiều tiền hỗ trợ từ các con ở thành phố gởi về mỗi khi có đám giỗ, cúng kính, phải trái, giờ xúm xít về thì cũng chia sẻ nhau bữa cơm được nhưng tương lai thì sao đây? Lại phải cuốn gói tìm lên phố. Đó là chưa nói đến bi kịch gia đình ngày càng nhiều”

Vườn nho ở Ninh Thuận (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Bi kịch gia đình ngày càng nhiều, anh có thể nói cụ thể về điều gọi là bi kịch này không?”

“Thực ra bi kịch gia đình ở miệt sông nước này bắt đầu từ khoảng hai chục năm nay, vợ bỏ chồng, bỏ gia đình theo trai nhà giàu, rồi bị trai hất ra đường khi xuống sắc là rất nhiều. Nhưng mức độ trầm trọng, ghê gớm của nó chỉ mới gần đây, tức là trước đây vợ bỏ chồng theo trai xứ khác, còn bây giờ, vợ bỏ chồng theo trai xứ khác cũng có, đi làm gái tại chỗ, tức vào các quán nhậu, quán hớt tóc, rồi hẹn hò bên ngoài cũng đầy rẫy ra đó. Nhưng đáng sợ nhất là nó bùng phát, bất chấp dịch giã, có nhiều gia đình tưởng là êm ấm, ổn định rồi, thế mà khi kinh tế khó khăn một chút thì mọi thứ đổ vỡ…”

Mọi thứ ngày càng ngột ngạt... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Chuyện đổ vỡ của các gia đình bùng phát lâu chưa anh?”

“Nói chính xác là mới đây, chừng vài tháng trở lại đây, đương nhiên báo chí chưa thấy nhắc tới mấy nhưng tôi quan sát thấy sợ quá, nợ nần chồng chất, cờ bạc, gái gú và số đề ngày càng gia tăng. Cuối cùng thì mâu thuẫn gia đình xảy ra, mâu thuẫn giữa người mới về từ thành phố và người ở lại cũng có, bởi nhiều cặp về quê ở hẳn tìm việc, đương nhiên phát sinh nhu cầu chỗ ở, đất canh tác, sẽ xảy ra việc chia chác và tranh chấp, bởi đất đai bây giờ chẳng giống ngày xưa nữa, tình cảm con người đối xử với nhau cũng không còn chí tình như ngày trước. Rồi thêm phần cờ bạc, rượu chè, mọi thứ cứ lún dần vào chỗ tệ hại, mệt mỏi. Các cô còn trẻ, mới lập gia đình, mới có một đứa con chẳng ngần ngại bỏ chồng con mà lên phố, hoặc lên huyện làm gái. Đủ thứ chuyện buồn!”

Ráng chiều Đất Mũi (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Theo anh, đời sống có hi vọng gì không?”

“Tôi thấy chẳng thể hi vọng gì nếu như mọi chuyện cứ tiếp diễn kiểu này, tức là sông thì thở nhịp quá lạ, nhà giàu thì chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi, còn nhà nghèo thì bi kịch ngày càng nặng hơn, anh đi quanh các thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long đi sẽ thấy mọi sự phân biệt rất rõ ràng, nhà giàu thì nhanh chóng giàu ra, khu của họ ở rất thoải mái, biệt thự, xe hơi, tiện nghi sáng choang, còn khu của nhà nghèo thì chẳng khác nào một bãi đất có nhiều ổ chuột, nhiều mái nhà tạm bợ. Ranh giới giàu và nghèo quá rõ và đương nhiên, nhà nghèo, không có học hành, muốn đổi đời thì chẳng còn con đường nào khác là chọn một công việc mà khi đi làm, bi kịch đổ vỡ gia đình phải diễn ra. Đau khổ, nông dân nơi đây đau khổ lắm!”

Mấy chữ “đau khổ lắm” của anh Bé Hợp nghe cứ miên man, thăm thẳm như chính những cánh đồng cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuổi, nhưng trong cái miên man ấy có chút gì thổn thức, khô héo, khô như những vết nứt chân chim khi miệt châu thổ vào mùa hạn mặn, đời sống vốn buồn càng buồn thêm!


Nguyên Quang  (Viễn Đông)

 

Posted: 26/03/2022 #views: 1115
Add comment
:
Pages:  [-1]