VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
TRÊN ĐƯỜNG TỚI “MÍT THƠM”

 

Ký Thiệt - Thời gian thấm thoắt thoi đưa, sự tranh cãi về cuộc bầu cử tổng thống vừa qua chưa chấm dứt, chính trường nước Mỹ lại đang diễn ra những màn sôi động, gay cấn, cụp lạc, để dọn đường tới “mít thơm”, tức cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (mid-term) quan trọng.

Với cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đảng Dân Chủ đã nắm được Tòa Bạch Ốc, kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện.Tổng thống thì tới năm 2024 mới bầu lại, nhưng Thượng viện và Hạ viện sẽ có cuộc bầu cử giũa nhiệm kỳ tổng thống  diễn ra vào tháng 11 năm 2022. Đảng Cộng Hòa đang hy vọng chiếm lại cả Thượng viện và Hạ viện.

Trước hết, tại Hạ viện đảng Dân Chủ chỉ nắm một đa số mỏng manh và đảng Cộng Hòa chỉ cần thắng thêm năm ghế để trở thành khối đa số. Nhưng, làm thế nào để thắng thêm 5 ghế?

Vấn đề đau đầu của đảng Cộng Hòa là Dân biểu Liz Cheney, một trong  mười dân biểu Cộng Hòa đã bỏ phiếu theo phe Dân Chủ đồng ý đàn hặc TT Trump về vụ hỗn loạn tại Điện Capitol ngày 6 tháng 1.

Bà Cheney đã may mắn không bị các dân biểu Cộng Hòa nổi giận đòi truất phế khỏi vai trò lãnh đạo thứ 3 tại Hạ viện với cuộc bỏ phiếu kết quả 145-61 đồng ý giữ lại. Nhưng, ngày thứ tư, 5 tháng 5 vừa qua, cựu TT Trump và đa số các cấp lãnh đạo đảng Cộng Hòa đã bày tỏ sự đồng lòng trừng phạt “kẻ phản đảng”.

Dân biểu Steve Scalise, lãnh tụ Khối Thiểu số Cộng Hòa tại Hạ viện, đã tuyên bố ủng hộ Dân biểu Elise Stefanik thay thế Cheney, và nhiều người khác theo sau tán thành.

Nhưng, tiếng nói nặng kí nhất là từ ông Trump, với những lời đả kích bà Cheney nặng nề, như gọi bà dân biểu con gái rượu của Phó Tổng thống Dick Cheney, thời Tổng thống Bush (con), là một “kẻ điên rồ hiếu chiến” không có công việc gì trong giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa dành cho bà”.

Trong cuộc họp hôm 5 tháng 5, ông Trump nói rõ thêm: “Chúng ta cần những người lãnh đạo tin tưởng ở phong trào MAGA, và đặt lên hàng đầu những giá trị của ‘America First’. Elise Stefanik là một chọn lựa siêu đẳng, và bà có sự hậu thuẫn đầy đủ và hoàn toàn của tôi để Chủ tọa Nghị hội của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.”

Bà Cheney đã phản pháo bằng cách cảnh cáo rằng đảng Cộng Hòa đang ở tại một “điểm rẽ” và rằng đang tán đồng hay làm ngơ trước tuyên bố của ông Trump về một cuộc bầu cử bị lấy trộm sẽ gây ra sự tai hại sâu xa lâu dài cho đảng và cho đất nước chúng ta.”

Trái lại, lãnh tụ Khối Thiểu số tại Hạ viện Kevin McCathy và Dân biểu Scalise lại nghĩ rằng họ cần sự hậu thuẫn của ông cựu tổng thống để nắm lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử mít thơm vào năm tới.

Như để chứng minh cho lập trường thực tế ấy, ngày 5 tháng 5 vừa qua ông Trump đã “quạt” những đảng viên Cộng Hòa không chịu lên tiếng ủng hộ sự tố cáo của ông về cuộc bầu cử gian lận, kể cả Phó Tổng thống Mike Pence, người đã phục vụ bên cạnh ông trong bốn năm. Ông nói:

“Nếu Mike Pence dẫn chứng tin tức của sáu tiểu bang, trong khi chỉ cần hai, ủng hộ các Nghị viện Tiểu Bang không nhìn nhận kết quả bầu cử của cử tri đòan, và Thủ lãnh Khối Thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell, người đã làm mất hai ghế của Cộng Hòa ở Georgia, có can đảm phanh phui tất cả những thối nát lúc bấy giờ, với thêm những phát hiện khác nữa, thì chúng ta đã có kết quả cuộc bầu cử tổng thống khác xa và đất nước chúng ta đã không bị rơi vào cơn ác mộng xã hội chủ nghĩa như bây giờ. Đừng bao giờ bỏ cuộc.”

Về phần Dân biểu Elise Stefanik, 36 tuổi, Cộng Hòa – New York, đang nổi bật như người ưu tiên được chọn để thay thế Dân biểu Liz Cheney trong chức vụ Chủ tọa Nghị hội của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện (House Republican Conference), vai trò lãnh đạo hàng thứ 3 của đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Quốc Hội Hoa Kỳ, bà đã mau chóng lên tiếng hoan nghênh sự chiếu cố trên Twitter:

“Cảm ơn Tổng thống Trump về việc ủng hộ tôi 100% vào chức vụ Chủ tọa Nghị hội của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện. Chúng ta đang đoàn kết và tập chú vào việc ĐUỔI CỔ PELOSI &  CHIẾN THẮNG trong năm 2022!”

Nhưng cuộc tranh cãi về Elise Stefanik không phải là mới có gần đây.

Những người phe Cộng Hòa ở New York đã tán dương Stefanik như là tương lai của đảng vào năm 2014 khi cô đắc cử vào Hạ viện ở tuổi 30, người phụ nữ trẻ tuổi nhất được bầu vào Quốc Hội Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Tự nhận là một “thế hệ bảo thủ mới”, sinh sau đẻ muộn, cô Stefanick kết thân với cựu Tổng thống George W. Bush và Dân biểu Paul D. Ryan, ứng cử viên phó tổng thống năm 2012. Stefanik ra ứng cử dựa trên lập trường quen thuộc của đảng Cộng Hòa về hủy bỏ Obamacare, giảm chi và đem công ăn việc làm về đơn vị bầu cử của mình ở New York.

Chủ tịch Hạ viện lúc đó, John A. Boehner và Kevin McCathy, lãnh tụ Khối Đa số, đã cùng đi vận động tranh cử với Stefanik đã giúp cho cô một bước tiến nhảy vọt.

Từ khi được bầu vào Quốc Hội, Stefanik trở thành loại người khó hiểu. Cô có thành tích là hòa đồng lưỡng đảng nhất tại Hạ viện trong khi lại nổi lên như một trong những tiếng nói pro-Trump sắc bén nhất tại Quốc Hội. Nhưng, Stefanik cũng đã bỏ phiếu chống dự luật cắt giảm thuế của TT Trump vào năm 2017. Cô cũng không đồng ý với chính quyền Trump vào đầu năm 2019 bằng cách bỏ phiếu mở cửa lại chính quyền liên bang thay vì đóng cửa một phần để ngăn chặn phe Dân Chủ từ chối cấp ngân sách để xây dựng bức tường biên giới của ông Trump cho suốt mùa bầu cử mít thơm năm 2018. Cô đã kêu gọi bầu thêm phụ nữ Cộng Hòa vào Hạ viện.

Rồi cũng năm đó, Stefanik nói cô không đồng ý với vài ngôn từ khích động mà ông Trump trực tiếp nhắm vào phụ nữ sau khi ông tổng thống gọi diễn viên phim “ếch” Stormy Daniels là “mặt ngựa” (horseface).

Dù vậy, Stefanik dần dần trở thành một biện hộ viên nhiệt tình cho ông Trump, nhất là trong vụ Hạ viện điều trần để đàn hặc ông Trump lần đầu vào năm 2019. Với tư cách là phụ nữ Cộng Hòa duy nhất trong Ủy ban Tình Báo Hạ viện, Stefanik đã cáo buộc các đồng nghiệp phe Dân Chủ theo đuổi một cuộc “tấn công có tính cách phe đảng” nhắm vào ông tổng thống.

Stefanik đã bỏ phiếu chống lại vụ đàn hặc ông Trump lần thứ hai dựa trên vai trò của ông trong cuộc nổi loạn ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol. Cô là một trong số 139 dân biểu Cộng Hòa tại Hạ viện đã bỏ phiếu chống lại việc chứng thực kết quả bầu cử của cử tri đoàn sau khi xảy ra vụ gây loạn tại khu Capitol.

Gerard Kassar, Chủ tịch đảng Cộng Hòa Tiểu bang New York, đồng ý việc đề cử Stefanik thay Cheney. Ông phát biểu:

“Tổng thống Trump làm đúng khi đề xuất đưa Dân biểu Elise Stefanik lên nhiệm sở lãnh đạo hiện do Dân biểu Liz Cheney của Wyoming nắm giữ. Nữ Dân biểu Stefanik có sự tôn trọng của nghị hội mình và có một viễn kiến lạc quan về đảng và quốc gia của mình.”

Stefanik cũng nổi lên như một mục tiêu cho cánh lãnh đạo đảng Cộng Hòa, đang muốn sang trang kỷ nguyên của Trump.

Mặt khác, theo tờ New York Post ngày 7 tháng 5, Liz Cheney đã âm thầm soạn thảo một bài “op-ed” trên tờ Washington Post do 10 cựu bộ trưởng quốc phòng còn sống ký tên nói lên sự quan ngại rằng Tổng thống Trump hồi đó có thể âm mưu chính trị hóa quân đội.

Bài “op-ed”, được đăng trên tờ Washington Post 3 ngày trước vụ nổi loạn tại Điện Capitol ngày 6 tháng 1, và đã được ký tên do James Mattis, cựu bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của ông Trump, cựu Phó Tổng thống Dick Cheney (cha của cô Liz Cheney), và các cựu bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter, William Cohen, Mark Esper, Robert Gates, Chuck Hagel, Leon Panetta, William Perry và Donald Rumsfeld.

Theo tờ New York Post thì chính Liz Cheney là người đã khai sinh ra bản văn ấy, vì bà ta lo sợ chuyện mà Trump có thể làm.

Bài quan điểm có sự đóng góp ý kiến của Washington Post kêu gọi chính quyền Trump đi tới với một thủ tục chuyển quyền yên bình, thúc dục một cách mạnh mẽ chống lại sự tham dự của các quân nhân trong nỗ lực thay đổi kết quả cuộc bầu cử.

Tin về Liz Cheney liên quan tới bài “op-ed” được phổ biến chỉ vài ngày trước khi Nghị Hội đảng Cộng Hòa tại Hạ viện bỏ phiếu để loại bà ra khỏi chức vụ hiện tại, và tờ New York Post coi việc đó cũng có thể là đóng cái đinh cuối cùng lên chiếc quan tài của bà ta, về chính trị, trong khi đảng Cộng Hòa chuyển hướng xa hơn về phía một đảng do Trump lãnh đạo hướng tới những cuộc bầu cử “mít thơm” 2022.

Jim Jordan,  dân biểu Cộng Hòa cao cấp nhất trong Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nói trên “Fox News Primetime” hôm thứ tư, 5 tháng 5, rằng “những lá phiếu có sẵn đó rồi” để loại Cheney khỏi chức chủ tọa Nghị hội Cộng Hòa tại Hạ viện.

Nghị Hội Cộng Hòa tại Hạ viện được dự trù tổ chức cuộc bỏ phiếu vào ngày 12 tháng 5 tới đây.

Về phía đảng Dân Chủ thì tin tức trong những ngày gần đây không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, nhất là đối với bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, mà nhiều người cho rằng sự mưu tìm quyền lực chính trị lâu dài của bà đang đứng trước thử thách lớn nhất và có thể chấm dứt tại đây.

Như đã nói ở phần trên, phe Dân Chủ đang nắm một đa số rất nhỏ tại Hạ Viện và phe Cộng Hòa chỉ cần chiếm được thêm 5 ghế trong cuộc bầu cử vào năm tới để trở thành đa số, kiểm soát Hạ viện.

Kết quả cuộc bầu cử đặc biệt đầu tiên dưới trào Joe Biden tại đơn vị Quốc Hội 6 ở Texas, phe Cộng Hòa đã thắng cả hai trong cuộc bầu lại (runoff) và tổng số phiếu của phe Dân Chủ là 11 điểm thấp hơn tại nơi mà Joe Biden đã thắng vào tháng 11 năm ngoái.

Jana Lynne Sanchez, một ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân Chủ, đã kéo một lá cờ đỏ lớn để báo động:

“Đây không phải là một dấu hiệu tốt. Đây không phải là một điềm báo tốt cho năm 2022 mà chúng ta bị thua trắng tay. Hôm nay tôi đang rung hồi chuông báo động, và tôi đang nói chúng ta cần phải làm việc thật lực.”

Những người phe Dân Chủ không phải chỉ lo ngại về việc cử tri thiếu nhiệt tình.

Các dân biểu Dân Chủ ở biên giới phía nam đang tính nghỉ hưu hơn là ra tái tranh cử để phải đương đầu với những cơn gió lớn do cuộc khủng hoảng biên giới của Joe Biden.

Ann Kirkpatrick, dân biểu Dân Chủ ở Arizona và dân biểu Dân Chủ ở Texas Filemón Vel vội vàng rút lui khỏi những đơn vị nơi mà di dân bất hợp pháp có thể đóng một vai trò lớn trong tháng 11 năm sau.

Thêm nữa, các Nghị viện những tiểu bang Cộng Hòa với quyền hạn vẽ bản đồ gần gấp đôi số ghế tại Quốc Hội của phe Dân Chủ. Chỉ riêng với khả năng này cũng có thể cho phe Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện trước khi bỏ phiếu, và câu hỏi còn lại là khối đa số của đảng Cộng Hòa  vào năm 2023 sẽ lớn cỡ nào!

Có lẽ đây là nhiệm kỳ cuối cùng của bà Nancy Pelosi với tư cách chủ tịch Hạ viện. Và bà sẽ ra đi trong sự hổ thẹn vì đã hai lần làm mất quyền kiểm soát Hạ viện của đảng Dân Chủ, “cái án treo” ấy sẽ lơ lửng trên đầu khi bà ra đi.

Bà Pelosi là người đàn bà nhiều quyền lực nhất tại nước Mỹ hiện nay, và là một trong những dân cử ngồi tại Quốc Hội Hoa Kỳ lâu đời nhất với 35 năm, trong đó có hai lần làm chủ tịch Hạ viện.

Nancy Pelosi được coi như một chính trị gia nhà nghề nhiều tham vọng và rất là đạo đức giả.

Bà Pelosi chủ trương và tranh đấu cho người phụ nữ có quyền phá thai, nếu muốn, kể cả phá thai muộn kỳ, trong khi vẫn tự nhận là một con chiên thuần thành.

Gần đây, bà hăng say chống kỳ thị chủng tộc nhưng lại im lặng, làm ngơ trước tội lỗi của chính cha mình.

Tờ Washington Times ra ngày 6 tháng 5 vừa qua có đăng một bài chiếm hết 5 cột trên trang nhất, tức nửa trên của tờ báo, với hàng tựa đề lớn: “Pelosi silent on father’s complicity in racism”, mà đoạn mở đầu xin tạm dịch như sau:

“Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ chối tố giác người cha quá cố của mình, cựu Thị trưởng Baltimore Thomas D’Alesandro Jr., vì đã hậu thuẫn cho việc dựng lên những pho tượng của liên minh ly khai (Confederate) tại thành phố và kéo dài sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống bằng cách không chấm dứt những hành động kỳ thị, trong đó có việc từ chối không cho người da đen thuê nhà trong những khu xóm da trắng.

Bà Pelosi, người đã đứng ra đối đầu với quá khứ kỳ thị chủng tộc của đất nước này và coi cuộc chiến đấu chống lại sự kỳ thị chủng tộc có hệ thống là một nền tảng cho sách lược của đảng Dân Chủ, đã từ chối những đòi hỏi trong tuần này để giải quyết di sản của bố bà.

Trong khi đó, những người Dân Chủ đang thúc đẩy các chính sách khiến cho dân da trắng nhận lãnh trách nhiệm của tổ tiên họ đã đồng lõa trong nạn kỳ thị chủng tộc, trong đó có việc trả tiền bồi thường cho những người Mỹ da đen. (con cháu họ).”(ngưng trích)

Lạ nhỉ. Bà Pelosi không chịu “tố khổ” cha mình như những đứa con đã tố khổ cha mẹ họ trong những cuộc đấu tố diễn ra tại các nước cộng sản thì sao bà và đảng của bà lại đang phấn đấu để đưa nước Mỹ vào con đường XHCN?

Hay vì bà Pelosi cũng đã biết những năm dài ngọc ngà của bà tại Quốc Hội Hoa kỳ  không còn bao lâu, nên bà cứ… im lặng là vàng.

Trái lại, Chủ Nhật 9 tháng 5 vừa qua, Dân biểu Kevin McCathy, lãnh tụ Khối Thiểu số tại Hạ viện, đã xuất hiện trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News Channel lần cuối cùng để làm sáng tỏ mọi chuyện trước khi Nghị Hội Cộng Hòa tại Hạ viện diễn ra vào ngày 12 tháng 5 để bỏ phiếu loại Nữ Dân biểu Liz Cheney ra khỏi chức chủ tịch của tổ chức này. Và, trong cuộc bầu cử “mít thơm” vào tháng 11 năm sau, Liz Cheney cũng rất ít hy vọng tái đắc cử để đại diện cho Wyoming tại Hạ viện.

Trong cuộc phỏng vấn, ông McCathay nói rằng Cheney đang bị kéo ra khỏi nỗ lực của đảng Cộng Hòa để tái kiểm soát Hạ viên vào năm 2022 và chống lại một cách thành công sách lược của TT Biden, những mục tiêu mà ông McCathy nói rằng cần có sự hậu thuẫn của cựu TT Trump.

Trên đường tới “mít thơm” 2022 còn nhiều chuyện ly kỳ.


K‎ý Thiệt

 

Posted: 19/05/2021 #views: 2409
Add comment
:
Pages:  [-1]