VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
CHUYỆN DÀI TỐI CAO PHÁP VIỆN HOA KỲ VÀ VỤ ROE CHỐNG WADE

 

Nhiệm kỳ mới của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ sẽ có những phán quyết lịch sử về  phá thai, súng, và nhiều vấn đề khác Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ xem xét cho phép đảng Cộng Hòa bảo vệ luật di dân  thời ông Trump

Ký Thiệt – Ngày 1 tháng 12 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã mở đầu xét xử vụ Dobbs chống Jackson Women’s Health Organization (Tổ chức Y tế Phụ nữ tại Jackson).

Tiểu bang Mississippi hiện diện trước tòa tối cao để bênh vực một luật liên quan tới việc phá thai tại tiểu bang này. Luật này trái ngược với phán quyết về vụ Roe chống Wade (Roe c. Wade), vì vậy đã bị kháng án ở các tòa dưới và cuối cùng lên tới TCPV.

Luật của Mississippi cấm hầu hết các vụ phá thai sau 15 tuần lễ đang trở thành một mặt trận khi tòa tối cao dấn thân vào trận đấu chính trị dai dẳng nhất trong đời sống dân Mỹ kéo dài suốt 50 năm qua khi TCPV Hoa Kỳ, qua phán quyết năm 1973 về vụ Roe c. Wade, đã nhìn nhận người phụ nữ có quyền phá thai.

Trong suốt gần hai giờ khẩu biện mở màn vụ xét xử, các thẩm tòa tối cao hữu khuynh, với tỉ số 6-3, đã cho thấy họ đồng ý với nhau trong sự phân vân về tiêu chuẩn “có thể sống” của thai nhi – khoảng 24 tuần lễ kể từ ngày thụ thai – để các tiểu bang có thể ngăn cấm người phụ nữ phá thai.

Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts: 'Kẻ cầm cân' tiến trình luận tội Tổng  thống Trump | Quốc tế | Báo Nghệ An điện tử

Chánh thẩm tòa tối cao John G. Roberts có vẻ đang tìm một tiêu chuẩn khác để thay cho sự có thể sống mà không phải đảo ngược vụ Roe c. Wade. Ông ta nói: “Vấn đề trước mặt chúng ta hôm nay là cái kỳ hạn 15 tuần lễ.”

Các thẩm phán tối cao khác do các tổng thống Cộng Hòa tiến cử đang nghĩ đến việc xóa sổ luôn vụ Roe c. Wade cho tiện việc sổ sách và có thể đưa các thẩm phán tối cao ra khỏi cái vấn đề phá thai đeo đẳng TCPV suốt nửa thế kỷ nay.

Thẩn phán Brett M. Kavanaugh, người do TT Trump tiến cử, đã tỏ ra thẳng thắn nhất trong việc đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra khi xóa bỏ vụ Roe c. Wade và trả lại toàn bộ vấn đề này cho các tiểu bang quyết định. Ông thách thức từng luật sư với tiền đề rằng Hiến pháp Hoa Kỳ “không ‘pro-life’ cũng chẳng pro-choice trong câu hỏi về phá thai" vì thế tòa tối cao không nên bị ép buộc phải pro-choice hay pro-life.

Thẩm phán Kavanaugh nói rằng không có giải pháp nào tốt cho các thẩm phán tòa tối cao để có một quyết định cân bằng giữa lợi ích đặc quyền của người phụ nữ và quyền sống của một thai nhi. Ông nói:

“Lý do làm cho vấn đề này khó giải quyết là không thể đáp ứng được cả hai lợi ích cùng một lúc. Thẩm phán phải chọn một trong hai. Đó là vấn đề mấu chốt. Một lợi ích phải đạt được trên sự thất bại của lợi ích kia vào bất cứ thời điểm nào. Vì vậy vấn đề này trở thành nan giải. Tại sao TCPV lại là trọng tài mà không phải là Quốc Hội, các viện lập pháp tiểu bang, các tòa tối cao tiểu bang, hay nhân dân Mỹ có thể giải quyết vấn đề này?”

Lần sau cùng Roe c. Wade đã bị thách thức tận nền móng là vào năm 1992, trong vụ Planned Parenthood v. Casey. Phe bảo thủ đã thúc dục tòa tối cao nên đảo ngược vụ Roe c. Wade, nhưng với phán quyết 5-4, TCPV đã tái khẳng định quyền phá thai – dù với lời biện minh mới và một tiêu chuẩn mới để các tiểu bang có thể hành động nhằm bảo vệ thai nhi sau thời điểm có thể sống.

Hiện nay, với tỉ số 6-3. Ba thẩm phán do các tổng thống Dân Chủ tiến cử đã bảo vệ Roe c. Wade một cách hăng say.

Theo bản tin của tờ The Washington Times, Thẩm phán Stephen G. Breyers, do TT Clinton tiến cử, đã gọi vụ này là một “supercase” (vụ siêu đẳng) và cảnh cáo rằng đảo ngược Roe c. Wade sẽ đặt chính bản chất của TCPV vào sự rủi ro. Ông nói:

“Vấn đề với vụ siêu đẳng như vụ này, vụ hiếm có, nơi người ta thực sự đối lập ở cả hai phía, và họ thực sự chống đối lẫn nhau, họ sẽ sẵn sàng để nói không, những người khác chỉ coi đây là chuyện chính trị, chỉ là những chính trị gia. Và đó là cái giết chúng ta.”

Nhà thẩm phán tối cao này nói năng tối mò không ai hiểu ông muốn nói cái gì!

Chánh thẩm tòa tối cao Roberts, do TT George W. Bush tiến cử, bảo rằng âm hưởng của vụ Casey đã đưa tới một kết cuộc nghịch lý rằng một quyết định càng mất lòng dân hơn thì càng có phần chắc hơn là các tòa án nên để yên nó tại chỗ. Và, ông chánh thẩm tòa tối cao kết luận:

“Sự thật là chúng ta không thể dựa những quyết định của chúng ta trên sự được lòng dân hay không.”

Đại diện cho Mississippi, Tổng tham sứ Scott Stewart bênh vực luật của tiểu bang mình, nói rằng phá thai không tìm thấy trong Hiến pháp vì vậy những quyết định về sự hợp pháp của nó không thuộc các tòa án. Ông ta nói:

“Hiến pháp đặt sự tin tưởng ở nhân dân. Hết vấn đề khó khăn này đến vấn đề khó khăn khác, nhân dân đã làm cho đất nước này vận hành. Phá thai là một vấn đề khó khăn. Nó thuộc về nhân dân..”

Đối lập với Stewart là hai phụ nữ, bà Prelogar và Julie Rickelman, giám đốc của Center for Reprodutive Rights (Trung tâm về Quyền Sinh sản). Họ bênh vực Roe và Casey như hai vụ tốt nhất để các tòa án có thể giải quyết. Bà Rickelman nói trước tòa tối cao:

“Ngày nay không có sự cần thiết ít hơn 30 năm đã qua hay 50 năm đã qua để cho phụ nữ có thể làm một quyết định căn bản về thân thể, đời sống và sức khỏe của họ.”

Nhiều tiểu bang bảo thủ đã thách thức ý niệm trên đây. Họ cãi rằng những tiến bộ về khoa học ngày nay, đặc biệt là y khoa và những hiểu biết về thai sản đã nâng cao quyền của thai nhi.

Những tiểu bang này nói rằng tiếng tim đập của một thai nhi có thể nghe được rất sớm vào tuần lễ thứ sáu và một thai nhi có thể cảm thấy đau đớn trước tiêu chuẩn có thể sống hiện nay 24 tuần lễ.

Thẩm phán tối cao Sonia Sotomayor, do TT Obama tiến cử, nói rằng "nếu tòa khởi sự để vứt bỏ hậu quả tiền lệ của vụ Roe c. Wade trước đây, những người ủng hộ quyền mang súng nên cảnh giác quyết định năm 2008 đã thiết lập một quyền của Tu Chính án thứ Hai là quyền sở hữu súng sẽ có thể là kế tiếp.” Bà Sotomayor nói:

“Có nhiều người làm chính trị tin tòa án đã sai lầm khi nhìn quyền sở hữu vũ khí như một quyền cá nhân đối lập với một quyền của dân quân. Nếu mọi người tin tất cả chỉ là chuyện chính trị, làm cách nào chúng ta có thể sống còn?”

Tạp chí National Review số ra ngày 7 tháng 12 có đăng một bài của Adam M. Carrington chỉ trích Thẩm phán Sotomayor, nhưng không phải về chuyện quyền sở hữu súng liên hệ với quyền phá thai của phụ nữ, mà là về “phá thai và tôn giáo”.

Dưới tự đề “Justice Sotomayor Is Wrong about Abortion and Religion”, tác giả viết:
“Làm cách nào giới chính trị chúng ta biết khi nào thì đời sống con người bắt đầu? Và, ở đâu là nơi thích hợp để luật pháp trông vào khi làm quyết định đó?

“Thẩm phán tối cao Sonia Sotomayor đã đưa vấn đề này ra trước cuộc khẩu biện trong vụ Dobbs chống Jackson Women’s Health. Trong một phiên tòa tranh luận kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, các thẩm phán tối cao và những nhà biện luận đã tập chú hầu hết vào việc TCPV có nên đảo ngược vụ Roe c. Wade và vụ Planned Parenthood c. Casey, hai quyết định cột mốc của TCPV về phá thai. Vấn đề định nghĩa đời sống con người, được hai vụ này tránh né, đã nổi lên trong một cuộc trao đổi lập trường giữa Thẩm phán tối cao Sotomayor và tổng tham sứ Mississipi Scott Stewart, người bênh vực luật của tiểu bang minh cấm những vụ phá thai sau 15 tuần lễ phát triển của thai nhi.

Trong phát biểu mở đầu của mình, Stewart tuyên bố rằng những vụ phá thai chỉ là những thí dụ trong đó “tòa này đã nhìn nhận một quyền để chấm dứt đời sống một con người.”

Thẩm phán Sotomayor đã vặn lại Stewart về điểm nay, hỏi làm cách nào nhận định của ông ta liên hệ tới bất cứ cái gì ngoại trừ một quan điểm tôn giáo. Bằng cách hỏi như vậy, Sotomayor đã tìm cách bất hợp pháp hóa lợi ích của Mississippi trong việc bảo vệ thai nhi. Tóm lại, bà thẩm phán tối cao nói rằng những tiếng nói của tôn giáo không có chỗ trong lãnh vực công và một phần đang chạy vào Tu chính án thứ nhất. Vậy thì, theo quan niệm này, tòa tối cao phải triệt hạ bất cứ luật nào với nền tảng tôn giáo như vậy.

Cuối cùng, tác giả đã bênh vực luật của Mississippi và viết:

“Tòa tối cao nên, ít nhất, thông qua toàn bộ quyết định về phá thai. Ít nhất cho phép các tiểu bang định nghĩa đời sống và hành động theo những định nghĩa ấy. Tuy không đầy đủ, đó sẽ là một sự cải tiến quyết định trong việc bảo vệ quyền sống cho tất cả mọi người – cũng như làm sáng tỏ sự tương quan giữa mọi người với quyền ấy. Tuy nhiên, làm như vậy, tòa tối cao phải hiểu rằng những luật như vậy của Mississippi không phải là mưu đồ che đậy để thành lập một tôn giáo, nhưng là những nỗ lực công khai để bảo vệ đời sống con người.”

Nhưng, đây chỉ là ý kiến của một người ở bên ngoài phòng xử, cũng như hàng ngàn người, cả “pro-choice” lẫn “pro-life”, với biểu ngữ và khẩu hiệu trên tay, bao vây chung quanh pháp đình TCPV ở thủ đô Washington từ ngày 1 tháng 12, trong lúc bên trong diễn ra những tranh cãi sẽ kéo dài tới tháng sáu năm sau mới kết thúc với phán quyết của TCPV.

Trong khi chờ đợi, không phải tất cả những hoạt động của các phe nhóm đều diễn ra chung quanh pháp đình TCPV. Có nhóm “pro-life” tổ chức tập họp tại Công viên John Marshall cách TCPV không tới một dặm, có nhóm “pro-choice” tổ chức diễn hành từ bậc thềm Lincoln Memorial tới Martin Luther King Jr. Memorial.

Cho tới nay, ít nhất đã có 20 tiểu bang thông qua những luật hạn chế phá thai trong mấy năm gần đây, trong đó có một số tiểu bang còn gắt gao hơn Mississippi chưa ban hành thành luật vì còn chờ quyết định của tòa.

Học viện Guttmacher “pro-choice” nói rằng có 8 tiểu bang đã thông qua cái gọi là luật nhịp tim đập, theo đó cấm hầu hết những vụ phá thai sau khi nhịp tim đập của thai nhi có thể nghe được, thường là từ tuần lễ thứ 6 tới tuần lễ thứ 8.

Các tòa cấp dưới thường quen ngăn chặn những luật như vậy có hiệu lực, để chờ quyết định của TCPV.

Ngọn trào của những luật về phá thai đã gia tăng cơ hội TCPV sẽ có một cái nhìn khác về vụ Roe c. Wade, cùng ưu thế mới của thành phần thẩm phán trong TCPV với 6 người bảo thủ trong 9 thẩm phán.

Các tiểu bang Cộng Hòa đang tràn trề hy vọng chờ đợi cái chết của vụ Roe c. Wade. Bà Kristi Noem, Cộng Hòa, thống đốc South Dakota, đã không giấu được sự khích động khi nói với các phóng viên báo chí:

“Tôi sinh ra đời một năm trưóc vụ Roe c. Wade. Tôi thực sự không biết nhiều về bất cứ cái gì, ngoại trừ một quốc gia đã có tình trạng bất công này trong sách vở của chúng ta. Tôi đang rất khích động rằng tôi sẽ đi đó đây để xem những sử sách của chúng ta cuối cùng đã bị xé bỏ, và bây giờ chúng ta sẽ là một quốc gia tự hào với các bà mẹ của chúng ta, tự hào với những em bé của chúng ta, và tự hào về quốc gia của chúng ta.”

Trong khi đó, có tin một hội đồng được Tổng thống Joe Biden thành lập trước đây bảy tháng để nghiên cứu và đề nghị những cải tổ Tối Cao Pháp Viện. Sau hơn nửa năm nghiên cứu, lắng nghe và tranh cãi, hội đồng này đã thất bại, không đưa ra được đề nghị quan trọng nào để làm thay đổi cách thức điều hành tại TCPV, ngoại trừ ý kiến nên đặt giới hạn thời gian cho nhiệm kỳ phục vụ của các thẩm phán tối cao.

Bản phúc trình chung kết vô dụng đã được đệ nạp lên ông tổng thống ngày 7 tháng 12 sau khi được Hội đồng nhất trí bỏ phiếu thông qua.

Các quan hội đồng tự do cấp tiến, chiếm đa số áp đảo trong hội đồng, tuyên bố chiến thắng vì đã ngăn chặn được những nỗ lực nhằm mục đích chống đối việc mở rộng TCPV. Họ bảo rằng phúc trình đã mở đường cho tổng thống để cải tổ tòa tối cao và rằng tinh trạng hiện nay đòi hỏi ông cần làm vài thay đổi.

Phe bảo thủ trong Hội đồng cũng hài lòng và nói rằng phúc trình là một cái nhìn hữu ích vào lịch sử của tòa tối cao với những thay đổi và các giải pháp có sẵn. Họ nói rằng phúc trình ấy đã tránh được những đề nghị có tính cách chính trị từ phe Dân Chủ đang bực tức với cái tòa tối cao mà họ đã liên tục không kiểm soát được.

Bây giờ ông Biden phải quyết định làm gì với cái phúc trình đề xuất những thay đổi đang tranh cãi cho TCPV nhưng lại không để cho ông bất cứ một “giấy phép” chính thức nào nhằm thực hiện những thay đổi ấy.

Vấn đề mở rộng TCPV đang là một câu hỏi cốt yếu cho ông Biden.

Phe Dân Chủ nói rằng thành viên của TCPV đang mất thăng bằng. Năm 2016 phe Cộng Hòa đã khước từ chuẩn nhận một tiến cử do Tổng thống Obama, nhưng lại cho Tổng thống Trump cơ hội điền khuyết một ghế trống vào năm 2017, tiến cử thêm thẩm phán thứ hai sau những cuộc tranh cãi năm 2018 và xúc tiến gấp rút thủ tục để chuẩn nhận vụ tiến cử thứ ba năm 2020.

Nhiều phán quyết của TCPV đã đập tan những hy vọng của phe Dân Chủ giúp châm dầu cho những kêu gọi hành động để thay đổi.

Phúc trình của hội đồng, dày ngót 300 trang, nhìn nhận cảm nghĩ ấy nhưng đã dẫn ra các quốc gia từng mở rộng tòa tối cao, như Venezuela dưới thời Hugo Chavez và Thổ-Nhĩ-Kỳ với Recep Tayip Erdogan không phải là kiểu mẫu của những nền dân chủ ổn định.

Và, tập phúc trình kết luận như sau:

“Với tư cách là một hội đồng, chúng tôi đã cố nối liền những ý niệm chính của cuộc tranh luận với sự hiểu biết rõ nhất mà không có mục đích phán đoán cân nhắc bất cứ luận điểm nào đã được đưa ra có lợi hay chống lại những kêu gọi mở rộng khuôn khổ TCPV.”

Khuôn khổ TCPV, đã được ấn định là 9 thẩm phán tối cao từ sau cuộc Nội Chiến, là một vấn đề của luật pháp, và có thể thay đổi do Quốc Hội hay một tổng thống.

Thiết đặt những giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán tối cao là ý kiến hợp lòng dân hơn. Nhưng cũng không phải là dễ, vì Hiến Pháp Hoa Kỳ cho thấy nhiệm kỳ thẩm phán tối cao là suốt đời!

Phúc trình của hội đồng do Tổng thống Biden lập ra kết luận rằng có phần chắc các thẩm phán tối cao sẽ coi bất cứ xúc tiến nào nhằm đặt để giới hạn nhiệm kỳ thẩm phán tối cao qua thủ tục lập pháp là vi hiến.

Chuyện dài Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ và vụ Roe chống Wade chắc còn lâu mới chấm dứt.


Ký Thiệt

 

Posted: 18/12/2021 #views: 10408
Add comment
:
Pages:  [-1]