VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
NỔ LỚN ?

 

Hillary Rodham Clinton attends the New York State Democratic Convention in New York, N.Y., Thursday February, 22, 2022. (Photo/Douglas Healey)

Ký Thiệt - Trong lúc nhiều người đã quên ông John Durham thì ngày thứ sáu 11 tháng 2 vừa qua, ông tham vấn đặc biệt (special counsel) đã cho nổ một quả bom: ông nạp một hồ sơ tại tòa án chứng minh ban vận động tranh cử năm 2016 của bà Hillary Clinton đã nhúng tay vào một chiến dịch bất hợp pháp nhằm mục đích đào bới những “đồ dơ” của ông Donald Trump trước cuộc bầu cử và sau khi ông đã trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

 Trong hồ sơ này, Tham vấn đặc biệt John Durham cáo buộc một công ty kỹ thuật điện tử cộng tác với một luật sư của ban tranh cử Clinton để xâm nhập mạng điện tử tại tư gia ông Trump (Trump Tower) ở New York và tại Tòa Bạch Ốc để tìm dữ liệu dựng ra câu chuyện “Trump-Nga thông đồng” ngụy tạo.

Ông John Durham

Câu chuyện “Trump-Nga thông đồng” này đã đưa đến việc ông Robert Mueller được bổ nhiệm làm tham vấn đặc biệt để mở cuộc điều tra hình sự bắt đầu từ ngày 17.5.2017.

Cuộc điều tra này đã kéo dài gần hai năm, với một “đoàn quân” hùng hậu gồm 19 luật sư lãnh lương gần 1 ngàn đô-la một giờ, 40 thám tử FBI, đã xuất gần 3 ngàn trát đòi, 500 án lệnh khám xét, gần 50 vụ nghe trộm điện thoại, và 500 cuộc thẩm vấn.

Cuộc điều tra này đã chấm dứt vào ngày 22.3.2019 sau khi đốt hết 34 triệu đô-la tiền thuế của dân, và ông Mueller làm một phúc trình lên Bộ Tư Pháp, nói rằng không tìm thấy bằng chứng nào về việc ông Trump hay những những tay chân của ông Trump đã thông đồng với Nga. Trái núi đã không đẻ ra được cái gì, dù là một con chuột nhắt, ngoài những chuyện cần phải điều tra do… ban điều tra của ông Mueller gây ra!
 
Do đó, ông William Barr, Bộ trưởng Tư Pháp khi ấy do TT Trump mới bổ nhiệm, đã cử ông John Durham làm tham vấn đặc biệt để điều tra về toàn bộ vụ “thông đồng với Nga”.
 
Ông John Durham “âm thầm làm việc” không bao lâu thì ông Barr rời Bộ Tư Pháp sau khi Tổng thống Trump thất cử nhiệm kỳ hai. Thời thế đổi thay. Từ đó không còn nghe ai nhắc tới ông Tham vấn đặc biệt John Durham và vụ “Trump-Nga thông đồng” nữa.
 
Bỗng vào tháng 9 năm ngoái, có tin ông Durham đã truy tố Michael Sussmann, một luật sư từng làm việc cho nhiều đảng viên Dân Chủ và ban tranh cử tổng thống của bà Hillary Clinton. Sussmann bị cáo buộc đã nói đối với FBI vào năm 2016 về việc liên hệ giữa Tổ chức Trump (Trump Organization) và một Ngân hàng của Nga.
 
Và hai tháng sau,  ngày 4 tháng 11, ông Durham lại truy tố Igor Danchenko, một người Nga ở Washington, cũng về tội nói dối với FBI. Cả hai người này đều có liên hệ chặt chẽ với đảng Dân Chủ và bà Hillary Clinton, nhưng ông Durham không nhắc gì tới vụ “Trump-Nga thông đồng” và vai trò của bà Hillary Clinton.
 

Nay, với hồ sơ gồm 13 trang nạp ngày 11 tháng 2 tại tòa án ở Thủ đô Washington, Tham vấn đặc biệt John Durham đã đưa ra những phát hiện của cuộc điều tra do ông ta đảm trách cho thấy
ban tranh cử của bà Hillary Clinton (Dân Chủ) đã tiến hành một chiến dịch dò thám bất hợp pháp chống lại đối thủ Donald Trump (Cộng Hòa) và vẫn tiếp tục sau khi ông Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ – một trọng tội đại hình.
 
Dân biểu Jim Jordan, Cộng Hòa – Ohio, nói trên “Fox & Friend” của Fox News sáng hôm Chủ Nhật, 13 tháng 2:
“Đã có một vụ dò thám lâu dài và trầm trọng hơn là chúng ta nghĩ trước đây vì những người này đã dò thám một tổng thống Hoa Kỳ đang tại chức, và bây giờ thì những người này đã bị vạch mặt là ban tranh cử của Clinton.”
 
Thủ lãnh phe thiểu số tại Hạ Viện Kevin McCarthy, Cộng Hòa – California, viết trong một cái Tweet hôm thứ bảy rằng: “Những người Dân Chủ đã bị bắt quả tang dò thám bất hợp pháp, lúc đầu nhắm vào ứng cử viên Trump và rồi khi ông ta là Tổng thống TRONG TÒA BẠCH ỐC.
 
“Câu chuyện hoang tưởng thông đồng với Nga đã là chuyện bịa đặt ngay từ ngày đầu tiên –  được tạo dựng ra do những kẻ thù chính trị của ông ấy – và tất cả những người liên hệ tới hành động ‘phi-Mỹ‘ (un-American) này phải bị đưa ra trước công lý.”

 
Còn cựu Tổng thống Donald Trump thì nói ông Durham, người đang điều tra nguồn gốc của cuộc điều tra tư pháp do ông Mueller tiến hành, đã phát hiện chiều sâu trong âm mưu của những người Dân Chủ để hủy hoại chức vụ tổng thống của mình.
 
Ông nói hồ sơ nộp tòa của Tham vấn Đặc biệt John Durham cung cấp “bằng chứng không thể tranh cãi” rằng các viên chức ban tranh cử Clinton đã dò thám chiến dịch tranh cử và công việc của ông trong Tòa Bạch Ốc.
 
Ông Trump viết trong một bản tuyên bố như sau: “Đây là một sự việc tồi tệ lớn hơn vụ Watergate nhiều về phạm vi và tác động của nó và những người có liên hệ vào và hay biết về chiến dịch dò thám này nên bị truy tố về hình sự. Vào một thời kỳ nghiêm trọng hơn trong đất nước chúng ta, tội phạm này nên được trừng phạt với án tử hình.”
 
Không chậm trễ, ngày 15 tháng 2 các luật sư của Michael Sussmann, cựu luật sư của ban tranh cử Hillary Clinton năm 2016, đã nạp một đơn tại tòa liên bang bác bỏ những buộc tội của ông Durham về một chiến dịch rộng lớn chống lại Donald Trump, nói rằng tham vấn đặc biệt đang cố chính trị hóa một vụ hình sự và tạo định kiến cho bồi thẩm đoàn.
 
Phản ứng đã bắt đầu khi các luật sư của Sussmann thỉnh cầu một thẩm phán liên bang loại bỏ những phần trong hồ sơ sau cùng của ông Durham, nại cớ rằng nó có thể “làm vẩn đục bồi thẩm đoàn”.
 
Trong hồ sơ nạp tòa ngày 11 tháng 2, ông Durham nói viết rằng các luật sư từ ban tranh cử của Hillary Clinton năm 2016 đã tài trợ cho việc xâm nhập máy chủ hệ thống điện toán tư gia ông Trump tại Trump Tower ở New York và sau đó tại Tòa Bạch Ốc để gạn lọc lấy “tin tức xấu xa” về ông ta.
 
Các luật sư của Sussmann đã mổ xẻ phân tích cuộc điều tra của Tham vấn Đặc biệt John Durham trong một kiến nghị nẩy lửa nạp tòa. Họ tố ông Durham đã thả một quả bom “để tạo ra một vụ đảng phái phân tranh và đổ dầu vào lửa cho sự tường trình của truyền thông, báo chí.”
 
Họ cũng kêu gọi ông Durham phải bị chế tài về “tính cách lạm dụng thủ tục tư pháp.” Các luật sư viết như sau:
“Thật không may,  tham vấn đặc biệt đã làm hơn là chỉ đơn giản lập một hồ sơ đưa ra bằng chứng cho thấy có thể có những xung đột về lợi ích”. Thay vào đó, tham vấn đặc biệt Durham đã lại một lần nữa làm hồ sơ về vụ này với những điều không cần thiết, gồm cả định kiến – và sai lầm –  cáo buộc với mục đích chính trị hóa vụ này, đổ thêm dầu cho tường trình của truyền thông và vẩn đục bồi thẩm đoàn.”
 
Thật ra, “trái bom” của Tham vấn đặc biệt Durham tại tòa ngày 11 tháng 2 đã bị giới truyền thông dòng chính ngó lơ. Một trong những người ngạc nhiên về sự làm ngơ của truyền thông là Nghị sĩ Marco Rubio, Cộng Hòa – Florida. Ông Rubio đã nói trong Chương trình “Special Report” của Fox News ngày 14 tháng 2: “Đây là một vụ lớn. Tôi bị sốc khi chuyện này không được loan tải nhiều hơn trên báo chí. Tôi không nghĩ có ‘sô’ nào trong ngày Chủ Nhật đã nhắc tới nó.”
 
Ông Rubio nói thêm rằng nếu những cáo buộc của ông Durham được chứng minh là có thật, “nó sẽ là một trong những vụ tệ hại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nó là một tội hình sự, không còn nghi ngờ gì về điều đó, và nó sẽ nói với mọi người vì sao những người này có thể thoát thân với chuyện đó. Tôi nghĩ những người đó có thể thoát thân vì truyền thông sẽ không tường trình về chuyện đó.”
 
Tờ The Washington Times đã làm một cuộc kiểm điểm websites của những cơ quan truyền thông lớn, và đã phát hiện những báo, đài chính sau đây đã không nhắc tới những phát hiện của ông Durham: New York Times,  Washington Post, CNN, MSNBC, ABC và CBS.
 
Tim Graham, Giám đốc phân tích truyền thông của Media  Research Center, môt tổ chức bảo thủ, nhận xét: “Khi tin nào không có lợi cho những người Dân Chủ thì không phải là tin.”

Còn bà Hillary Clinton?

Bà Clinton đã giữ im lặng cho tới ngày 16 tháng 2, và đã gọi “trái bom” của Tham vấn đặc biệt Durham là một “fake scandal” qua một cái tweet: “Trump & Fox đang xoay vần một cách tuyệt vọng cố làm ồn lên một xì-căng-đan giả mạo để đánh lạc hướng khỏi những chuyện tồi tệ có thật của ông ta. Những hành động sai trái của ông ta càng bị phanh phui, họ càng nói láo.”
 
Tại Đại Hội thường niên của đảng Dân Chủ ở New York ngày 17 tháng 2, bà Clinton cũng đã lên tiếng và lặp lại những lời trên đây trong lúc đang có đồn đoán bà ta sẽ được đảng Dân Chủ đưa ra ứng cử tổng thống vào năm 2024 tiếp theo sau những “poll” kết quả nghèo nàn về chính quyền Biden và những người Dân Chủ ở Quốc Hội đang có thể đối mặt với thảm họa trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay. Những câu hỏi đang được đặt ra là liệu ông Biden, với 79 tuổi, có lại ra tranh cử cho nhiệm kỳ hai hay không, và bà Phó Harris có ra thay thế để đứng đầu liên danh của đảng Dân Chủ hay không.

Nhiều người đang nói tới “lá bài Clinton”. Ngay cả chính cựu Tổng thống Bill Clinton, chồng bà Hillary, trong một cuộc phỏng vấn của Tạp chí People vài tháng trước đây cũng đã nói rằng vợ ông “là người đủ điều kiện nhất để làm tổng thống trong suốt đời tôi, trong đó có tôi.”
 

Thật là người chồng gương mẫu!

Nhưng, hình như có nhiều người không đồng ý với ông cựu Tổng thống Bill Clinton, và tuy bà Clinton đã không bị cáo buộc vào bất cứ tội gì trong hồ sơ ông Durham nạp tại tòa ngày 11 tháng 2, nhiều người vẫn nghĩ rằng những gì họ được trông thấy mới chỉ là cái đỉnh của tảng băng sơn chìm sâu dưới mặt biển.
 
Truyền thông do các đại công ty ở Mỹ kiểm soát đã không coi vụ này là một chuyện lớn và đã nhận chìm những phát hiện trong hồ sơ của ông Durham nạp tòa, ngoại trừ tờ Daily Mail  đã quyết định làm nhiệm vụ báo chí và yêu cầu bà Clinton nhận một cuộc phỏng vấn về vụ này.
 
Bà Clinton đã chạy dài và đã không trả lời bất cứ câu hỏi nào về việc ban tranh cử của bà năm 2016 dò thám Donald Trump. Sau đó, bà đã dùng mạng truyền thông xã hội để ca ngợi truyền thông do các đại công ty kiểm soát và nói toàn bộ câu chuyện ấy là hoang đường do trí tượng của Fox News và  Donald Trump đẻ ra.
 
Trong bài phát biểu tại Đại Hội đảng Dân Chủ Tiểu Bang New York ngày 17 tháng 2, bà Clinton cũng đã nói như vậy, và thêm: “Fox dẫn đầu những sự buộc tội chống lại tôi, tin tưởng khán giả của họ lại nghe theo họ nữa. Và họ đang tiến rất gần tới chỗ thực sự có ác ý trong những tấn công của họ.”
 
Ngày hôm sau, 18 tháng 2, Sean Hannity, người phụ trách chương trình ăn khách của Fox News, đã lên tiếng thách bà Hillary Clinton kiện hệ thống truyền hình này về tội phỉ báng.
 
Cho tới hôm nay, khi bài Sổ Tay này được viết, chưa có tin gì thêm về chuyện này.
 
Luật pháp Hoa Kỳ có một ngưỡng cửa cao dành cho sự tường trình về những khuôn mặt công cộng như bà Clinton. Muốn kiện một nhà báo về tội phỉ báng, chẳng những nguyên đơn phải chứng minh bài viết hoặc lời nói ra là sai sự thật và có hại cho nguyên đơn, nhưng còn phải chứng minh báo hay đài có ác ý khi phổ biến tin ấy.
 
Rõ ràng do bà Clinton và giới truyền thông dưới sự kiểm soát của đại công ty muốn đánh lạc hướng và che giấu sự thật về chuyện ban tranh cử Clinton và FBI dò thám bất hợp pháp ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016, người dân Mỹ có thể sẽ không bao giờ được biết đầy đủ chiến dịch dò thám ấy đã gây hại cho nền dân chủ của quốc gia này ra sao, và nhiều người hy vọng cuộc điều tra của ông Durham sẽ cung cấp đầy đủ sự thật cho công luận và trừng phạt những kẻ có tội, bất kể là ai.
 

Poll cho thấy 66% những người Dân Chủ muốn có một cuộc điều tra về bà Clinton.
 
Sau vụ khởi tố Igor Danchenko vào tháng 9 năm ngoái, Tạp chí National Review có đăng một bài phân tích khá dài của Andrew C. McCartthy, tựa đề “Where John Durham’s Investigation Is Heading” trong đó có đoạn xin tạm dịch như sau:
 
“Vụ khởi tố Igor Danchenko tuần trước có vô khối bình luận và câu hỏi. Liệu tham vấn đặc biệt John Durham đã đập vỡ cốt lõi của vụ “Russiagate”, liệu ông ta đã lập luận rằng hồ sơ của Steele mà FBI đã dựa vào để cho phép dò thám là gian dối, phải chăng điều đó có nghĩa là ông ấy đang tới gần một truy tố rộng lớn về âm mưu? Phải chăng  điều đó sẽ là truy tố hình sự nhắm vào sự thông đồng có thật vào năm 2016 – không phải giữa  ban tranh cử của Trump và Nga, nhưng là giữa ban tranh cử của Clinton và các viên chức Hoa Kỳ đã lạm dụng quyền điều tra của chánh quyền cho những mục tiêu chính trị.
 

“Gần như chắc chắn là không.

Cựu Attorney General Bill Barr

“Tất cả các chỉ dấu cho thấy là ông Durham sẽ chấm dứt cuộc điều tra của ông ta với một bản tường trình. Chuyện đã xảy ra như vậy từ lâu. Có những lý do vì sao bộ trưởng Tư Pháp khi ấy là Bill Barr đã bổ nhiệm chưởng lý Hoa Kỳ ở Connecticut lúc đó là John Durham làm tham vấn đặc biệt không bao lâu trước khi chính quyền Trump cáo chung.
 
“Không giống như các công tố liên bang thường, có thể lập hồ sơ truy tố hay chấm dứt cuộc điều tra mà không bình luận gì cả, các tham vấn đặc biệt bắt buộc phải viết một phúc trình cho bộ trưởng Tư Pháp, như chúng ta đã thấy phúc trình của tham vấn đặc biệt Robert Mueller năm 2019. Hiển nhiên  Barr đã dư biết về cuộc điều tra của Durham sẽ không thể là một vụ âm mưu hình sự lớn quá khổ, dù vậy, đã có hành động phi pháp lan tràn và lạm quyền có thể không bao giờ ra ánh sáng nếu thiếu một phúc trình về một cuộc điều tra đầy đủ.
 
“Vụ khởi tố Danchenko vừa rồi của Durham và vụ khởi tố luật sư của đảng Dân Chủ Michael Sussmann vào giữa tháng 9 rõ ràng để xác định rằng ông ta đang làm một phúc trình chung cuộc, không phải là những buộc tội hình sự rộng lớn.”
(ngưng trích)
 
Lần này, với tập hồ sơ trình tòa ngày 11 tháng 2 vừa qua của Tham vấn đặc biệt John Durham liệu có gì khác, hay cũng lại là một quả bom…tịt ngòi?

 

Ký Thiệt

 

Posted: 28/02/2022 #views: 7095
Add comment
:
Pages:  [-1]