VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
LIÊN TỤC BẮN THỬ TÊN LỬA : BẮC TRIỀU TIÊN TÍNH GÌ ?

 

Ảnh minh họa: Tiêm kích F-15 của không quân Hàn Quốc chuẩn bị xuất kích tại một căn cứ không được tiết lộ hôm thứ Ba 04/10/2022. (AP)

Minh Anh (RFI) - Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, 12 ngày, Bắc Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ phóng tên lửa. Giới quan sát cho rằng chế độ Bình Nhưỡng đang tận dụng tình hình địa chính trị trên thế giới bất ổn nhằm phô trương sức mạnh, đồng thời bắn đi một thông điệp rất rõ ràng đến chính quyền Biden.

Bán đảo Triều Tiên trong hai tuần qua như trong một « trò chơi chiến tranh » ở mức độ căng thẳng cao, theo như ghi nhận của thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tại Seoul. Thứ Năm, ngày 06/10/2022, Bình Nhưỡng lại bắn thử hai tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản, hai ngày sau khi cho thử nghiệm tên lửa Hwasong-12 bay khoảng 4600 km, qua quần đảo Nhật Bản, và được cho là có thể tới tận đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Để đáp trả, Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến tập trận cùng đồng minh Hàn Quốc, giả định bắn hạ một tên lửa Bắc Triều Tiên ở ngoài khơi. Cũng trong ngày 06/10, Bắc Triều Tiên còn điều 8 chiến đấu cơ và bốn máy bay ném bom tập trận sát biên giới liên Triều. Hàn Quốc lập tức phản ứng cho xuất kích 30 chiến đấu cơ.  

Theo giải thích từ phía Bình Nhưỡng, những vụ bắn thử tên lửa này chỉ là « những đòn trả đũa của Quân Đội Nhân Dân Triều Tiên chống lại các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, những hành động dẫn đến leo thang căng thẳng quân sự tại khu vực ».  

Tuy nhiên, có hai điểm được hầu hết giới chuyên gia cùng tán đồng :

Thứ nhất, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Kim Jong Un sẽ tránh thực hiện bất kỳ hành động nào có thể lu mờ vai trò nổi bật trong khu vực của Trung cộng – đồng minh phương Bắc chính của chế độ Bình Nhưỡng và cũng là nhà tài trợ lớn nhất – hiện đang chuẩn bị Đại Hội đảng Cộng Sản sẽ diễn ra vào ngày 16/10/2022.

Thứ hai, đây là một lời nhắc nhở từ Bình Nhưỡng, rằng công nghệ vũ khí của Bắc Triều Tiên đang có tiến bộ - tên lửa của họ bay xa hơn bất kỳ loại hỏa tiễn nào khác cho đến nay – như là một phần của sự phô trương rộng rãi hơn về khả năng tên lửa đạn đạo của chế độ, theo như nhận định của trang mạng The Guardian.

Về điểm này, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược (FRS) trả lời kênh truyền hình BFMTV ngày 06/10/2022 nhắc lại : « Những gì Bắc Triều Tiên đang thực hiện, chính là phát triển và gia tăng các năng lực của mình, giờ được xem như là đáng tin cậy. Năm nay là năm kỷ lục với 30 vụ thử. Khi Kim Jong Il còn sống, ông ấy đã tiến hành 15 vụ thử cùng một kiểu như vậy trong vòng 15 năm. Từ khi lên cầm quyền, cách nay 10 năm, Kim Jong Un đã thực hiện đến 170 vụ thử. »

Cũng theo chuyên gia này, những đợt bắn thử tên lửa mới của Bắc Triều Tiên còn là một cách để chế độ Bình Nhưỡng tái khẳng định vị thế của mình trong khu vực. « Điều này chứng tỏ là Bắc Triều Tiên có thể tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn và chính xác hơn. Và nhất là điều đó còn để lại ít phạm vi hành động hơn cho Hàn Quốc ».

Antoine Bondaz còn nhấn mạnh thêm rằng « Đây còn là một thông điệp gởi đến Hàn Quốc và các lực lượng quân đội Mỹ đang trú đóng tại Hàn Quốc, cũng như là trực tiếp cho Mỹ bởi vì tên lửa được sử dụng về lý thuyết có thể bắn tới đảo Guam ». Hòn đảo trên Thái Bình Dương này cũng là nơi trú đóng một căn cứ hải quân chiến lược của Mỹ trong khu vực.   

Thông điệp nào gởi đến Biden ?

Foster Klug, trưởng đại diện hãng tin Mỹ AP khu vực Triều Tiên, Nhật Bản, Úc và Nam Thái Bình Dương còn đưa ra những phân tích sâu hơn khi lưu ý thêm là trong mỗi cuộc thử nghiệm vũ khí, Bắc Triều Tiên thực hiện ít nhất ba việc cùng một lúc.

Thứ nhất, đó là dịp để Kim Jong Un cho người dân Bắc Triều Tiên thấy rằng ông là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng chống lại kẻ xâm lược nước ngoài.  

Thứ hai, các nhà khoa học của ông có thể nghiên cứu xử lý các vướng mắc công nghệ gây cản trở cho chương trình phát triển vũ khí, bao gồm cả việc thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân sao cho phù hợp với các tên lửa và bảo đảm tên lửa tầm xa có thể trở lại bầu khí quyển của Trái Đất một cách trơn tru.

Cuối cùng, đây có lẽ là điểm quan trọng nhất, mỗi cuộc thử đều gởi đi một thông điệp rất rõ ràng là bất chấp tất cả những vấn đề mà chính quyền Biden đang đối mặt – như cuộc chiến tại Ukraina, hành động ngày càng hung hăng của Trung cộng, kinh tế nước Mỹ lao đao - Washington vẫn phải đối phó với Bắc Triều Tiên. Có nghĩa là, một quốc gia sau nhiều năm phấn đấu, đang trên đà trở thành một cường quốc hạt nhân chính đáng, chứ không còn là một nước có dấu hiệu gần đây sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.  

Về lâu dài, Kim Jong Un có thể muốn Mỹ nhìn nhận rằng Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân thực thụ. Các cuộc đàm phán sau đó sẽ dàn xếp việc Bắc Triều Tiên giảm bớt phần nào chương trình vũ khí của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các trừng phạt của quốc tế và cuối cùng ký kết một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên.  

Xa hơn nữa, Bình Nhưỡng muốn Washington rút số 30 ngàn binh sĩ khỏi Hàn Quốc, mở đường cho việc kiểm soát bán đảo của Bắc Triều Tiên.  

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Bình Nhưỡng kiên quyết không nối lại đàm phán chừng nào Washington chưa từ bỏ « thái độ thù nghịch ». Điều này rất có thể bao hàm các biện pháp trừng phạt kinh tế, sự hiện diện của lính Mỹ và các cuộc tập trận thường niên với binh sĩ Hàn Quốc mà Bắc Triều Tiên xem đấy như là chuẩn bị xâm lược.  

Từ những quan sát trên, ông Foster Klug cho rằng các vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể là một động thái để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Đó cũng là những gì từng xảy ra dưới thời chính quyền Donald Trump. Những vụ thử tên lửa liên tục đã dẫn đến việc Donald Trump tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong Un trong suốt hai năm 2018-2019, nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế và chính trị. Nhưng ý định này đã bất thành khi lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng từ chối đi xa hơn trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Với việc ông Joe Biden lên cầm quyền, tình hình còn thêm bế tắc. Tổng thống Mỹ tỏ dấu hiệu từ chối đi theo cả chính sách ngoại giao cá nhân của Donald Trump lẫn chính sách « kiên nhẫn chiến lược » của Barack Obama, khi ủng hộ cách tiếp cận tiệm tiến, theo đó Bắc Triều Tiên từng bước bỏ một số phần trong chương trình hạt nhân để đổi lấy những lợi ích và giảm nhẹ trừng phạt.

Tuy nhiên, mục tiêu sau cùng là vẫn giữ nguyên : Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng ngày càng có nhiều nhà quan sát tin rằng điều này giờ là bất khả. Kim Jong Un có thể xem việc hoàn thiện chương trình vũ khí hạt nhân như là một sự bảo đảm duy nhất cho sự tồn vong của chế độ.  

Ông Soo Kim, một nhà phân tích cho RAND Corporation, được The Guardian trích dẫn, cho rằng « Tại thời điểm này, đối với Kim Jong Un, từ bỏ chương trình hạt nhân và ngưng mọi hành động khiêu khích dường như không phục vụ cho các lợi ích của ông ấy, chưa kể đến số lượng tài nguyên bị lãng phí để tiến hành các vụ thử tên lửa này ! »

Hầu hết giới quan sát có chung một kết luận : Kim Jong Un đang trong chu kỳ hành động khiêu khích bằng các vụ thử tên lửa, và có nhiều khả năng, một vụ thử hạt nhân thứ bảy sẽ nổ ra ngay đúng thời điểm bầu cử giữa kỳ quan trọng ở Mỹ và trong lúc này, Bình Nhưỡng tiếp tục xoay sở trong cuộc đối đầu dài hơi với Washington và các đồng minh của Mỹ (RFI)

 

Posted: 07/10/2022 #views: 1072
Add comment
:
Pages:  [-1]