VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG TRỞ NÊN NHÃN TIỀN KHI ASEAN, TRUNG CỘNG CỐ GẮNG ĐÀM PHÁN BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ

 

Tranh chấp Biển Đông trở nên nhãn tiền khi ASEAN, Trung Quốc cố gắng đàm  phán Bộ quy tắc ứng xử — Tiếng Việt

Một tàu cảnh sát biển của Trung cộng đang chặn tàu không cho tàu của chính phủ Philippines vào khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 29/3/2014. (Ảnh: AP)

RFA - Theo giới phân tích, nhiều khả năng Biển Đông vẫn là một trong những vấn đề gai góc nhất giữa Trung Quốc và ASEAN vào thời điểm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước láng giềng phương Bắc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại và cố gắng đàm phán một bộ quy tắc ứng xử vốn đã được hoạch định từ lâu nhằm giải quyết những tranh chấp ở vùng biển này.

Các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung cộng đã tham dự một hội nghị cấp cao trực tuyến vào hôm thứ Hai (22/11) để kỷ niệm ba thập kỷ hợp tác. Tại đây, họ đồng thời tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Bất chấp những trấn an từ Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình rằng Trung cộng sẽ luôn là bạn và láng giềng tốt của ASEAN, không bao giờ tìm kiếm bá quyền hay lợi dụng quy mô nước lớn để “bắt nạt” các nước nhỏ hơn, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn hiện hữu tại hội nghị thượng đỉnh này.

Trong một chỉ trích hiếm hoi đối với Trung cộng, tại hội nghị này, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bày tỏ sự phẫn nộ và “quan ngại nghiêm trọng” về việc các tàu cảnh sát biển Trung cộng bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông.

Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã lên án những hành động của Trung cộng. Washington cho rằng đây là những hành động "nguy hiểm, khiêu khích và phi lý".

Theo giới phân tích, các nhà ngoại giao của Trung cộng được cho là đang có những nỗ lực mới để đẩy nhanh các cuộc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đặt câu hỏi liệu bộ quy tắc ứng xử sẽ có hiệu lực và hiệu quả thực sự hay không. Họ đồng thời cho rằng quá trình đàm phán hiện đang có những trở ngại lớn.

Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam đề cập tới hai  trở ngại. Một là việc Trung cộng sử dụng “đường chín đoạn” để đánh dấu và phân định ranh giới cho vùng biển rộng lớn mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.  Hai là sự miễn cưỡng của Trung cộng trong việc xử lý các vấn đề về quyền và lợi ích ở Biển Đông của các bên nằm ngoài ASEAN và Trung cộng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

“Tôi không nghĩ những trở ngại này có thể sớm được dỡ bỏ” – ông Trục nói.

Tranh chấp Biển Đông trở nên nhãn tiền khi ASEAN, Trung Quốc cố gắng đàm  phán Bộ quy tắc ứng xử — Tiếng Việt

Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vẫy chào khi chủ tọa Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại giữa hai bên. Ảnh chụp qua một đường link video từ Bắc Kinh ngày 22/11/2021. (Ảnh Tân Hoa Xã/AP)

Con đường dài và quanh co

Trung cộng tuyên bố các quyền lịch sử đối với gần 90% diện tích Biển Đông và phân định một cách sơ sài vùng biển rộng lớn này bằng đường chín đoạn. Các quốc gia khác cùng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã bác bỏ những yêu sách này của Trung cộng và vào năm 2016, một tòa trọng tài quốc tế đã phán quyết rằng: Các yêu sách chủ quyền của Trung cộng là không có cơ sở pháp lý.

Các quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bao gồm: Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Các thành viên khác của khối là Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore và Thái Lan.

Trung cộng và ASEAN đã nhất trí về “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” vào năm 2003. Tuy nhiên, tiến độ đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) đã và đang diễn ra chậm chạp, ngay cả sau khi một bản dự thảo thỏa thuận đã được công bố vào năm 2018.

Một lý do khiến Trung cộng có thể lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận trong năm tới là Campuchia, đồng minh thân cận của nước này sẽ giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2022.

“Quá trình hoàn tất việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông đang tiến triển tốt. Dường như hiện nay quá trình đàm phán ít có vấn đề hơn” – ông Sovinda Po, một nhà nghiên cứu tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia nhận định.

Nhà nghiên cứu này nói rằng thay vì đứng về phía Trung cộng và đối mặt với rủi ro thiệt hại về danh tiếng, Campuchia “có khả năng sẽ chọn vị thế trung dung để vừa khiến Trung cộng hài lòng, vừa có được sự tin tưởng từ các nước ASEAN”.

Các nhà phân tích khác trong khu vực khác lại tỏ ra ít lạc quan hơn.

“Tôi không nghĩ có thể đạt được nếu mục tiêu là tạo ra một bộ Quy tắc ứng xử toàn diện và giải quyết tất cả các quan ngại khác nhau của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền” – ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines nói.

“Sự khác biệt vẫn còn quá lớn vào thời điểm này và họ ASEAN và Trung cộng vẫn chưa bắt đầu các thảo luận mang tính thực chất về các điều khoản quan trọng. Sẽ là khó khăn để đạt được sự nhất trí giữa 11 quốc gia cho mỗi điều khoản đó” – chuyên gia này nhận định.

Ông Carlyle Thayer, Giáo sư thuộc Đại học New South Wales ở Canberra (Úc) cho rằng vẫn còn một chặng đường dài và quanh co ở phía trước và ít có khả năng bản thảo cuối cùng của Bộ Quy tắc ứng xử có thể sớm được hoàn thành.

“Bản dự thảo COC được thông qua vào tháng 8/2018 cần phải trải qua ba lần đọc. Hiện tại các cuộc đàm phán về lần đọc thứ hai mới đang được tiến hành” - ông cho biết.

“Văn bản dự thảo đàm phán duy nhất (SDNT) dài 19 trang khổ A4. Tuy nhiên, cho đến nay hai bên mới đạt được một thỏa thuận tạm thời về Lời mở đầu dài một trang và 9 dòng văn bản”- GS Carl Thayer cho biết.

“Các cuộc đàm phán hiện tập trung vào phần Mục tiêu trong Điều khoản chung. Phần Mở đầu và Mục tiêu là những phần dễ đạt được sự đồng thuận nhất vì không gây tranh cãi nhưng phần tiếp theo, phần ‘Những cam kết cơ bản’, sẽ rất phức tạp” – ông nhận định.

Tranh chấp Biển Đông trở nên nhãn tiền khi ASEAN, Trung Quốc cố gắng đàm  phán Bộ quy tắc ứng xử — Tiếng Việt

Bản đồ về các tranh chấp tuyên bố của quyền ở Biển Đông. (Nguồn: RFA)

Sự tham gia của các bên thứ 3

Dự thảo văn bản hiện tại không xác định rõ tình trạng pháp lý của Bộ Quy tắc ứng xử như một hiệp ước có tính ràng buộc cũng như không có một cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc.

“Đối với các quốc gia như Việt Nam, một văn bản chính trị chung chung như thế này được xem là điều ít được mong đợi” – ông Trần Công Trục nói và cho rằng “nếu không có những chi tiết kỹ thuật đó, bất kỳ tuyên bố và lời hứa nào cũng chỉ là những khẩu hiệu sáo rỗng, phục vụ mục đích chính trị”.

Dự thảo COC cũng không đề cập đến các bên thứ ba có thể có mong muốn tham gia làm thành viên của Bộ Quy tắc này.

“Trung cộng muốn tránh sự can dự của các bên khác ở Biển Đông trong đó có Mỹ. Trung cộng có lợi ích khi duy trì các tranh chấp chỉ trong phạm vi giữa nước này và các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền” – ông Aristyo Rizka Darmawan, giảng viên Luật Quốc tế tại Trung tâm Chính sách Đại dương Bền vững thuộc Đại học Indonesia cho biết.

“Không có gì ngạc nhiên khi Trung cộng thúc đẩy đàm phán COC nếu nhìn vào những gì diễn ra trong vài tháng qua trong đó có sự ra đời AUKUS (hiệp ước an ninh ba bên giữa Úc, Anh và Mỹ)”- ông Darmawan nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu tự do (RFA).

“Có một số vấn đề quan trọng mà ASEAN và Trung cộng phải giải quyết trong COC” – chuyên gia này cảnh báo và nói thêm rằng: “Điều quan trọng là các vấn đề pháp lý cơ bản phải được xem xét và các bên không nên thông qua nó một cách vội vàng”.

 

Posted: 23/11/2021 #views: 2948
Add comment
:
Pages:  [-1]