VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
NGOẠI GIAO HÀN QUỐC : CỦNG CỐ TRỤC MỸ- NHẬT -HÀN, CỨNG RẮN VỚI BẮC TRIỀU TIÊN

 

Ngoại giao Hàn Quốc : Củng cố trục Mỹ- Nhật -Hàn, cứng rắn với Bắc Triều  Tiên

Yoon Suk Yeol, tân tổng thống Hàn Quốc, nền kinh tế thứ 10 trên thế giới. (AFP - JUNG YEON-JE)

Thanh Hà (RFI) - Phủ tổng thống Hàn Quốc vừa đổi chủ. Đâu là những thách thức trong chính sách đối ngoại của Seoul trong tay tổng thống thuộc cánh bảo thủ  Yoon Suk Yeol ? Theo giám đốc nghiên cứu Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp IRIS, Barthélémy Courmont, nguy cơ căng thẳng leo thang với Bắc Triều Tiên, chủ đích sưởi ấm quan hệ với Tokyo, qua đó củng cố tam giác Mỹ- Nhật Hàn, nhưng cần tránh khiêu khích Trung cộng là kim chỉ nam của ngoại giao Hàn Quốc.

Ngày 10/05/2022 tân tổng thống Yoon Suk Yeol chính thức lên cầm quyền và chưa đầy hai tuần sau, nguyên thủ Mỹ, Joe Biden sẽ là vị khách quốc tế đầu tiên công du Seoul, mở ra một chương mới trong chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.

Viễn cảnh một cuộc đối đầu Yoon –Kim?

Bắc Triều Tiên chiếm một vị trí quan trọng trong bài diễn văn nhậm chức của tổng thống Yoon Suk Yeol vào lúc Bình Nhưỡng đã dồn dập bắn thử tên lửa từ đầu năm tới nay, đặc biệt là kể từ khi ứng viên đảng bảo thủ Yoon, đắc cử tổng thống.

Sau thất bại của người tiền nhiệm Moon Jae In chìa bàn tay thân thiện với Bình Nhưỡng và bắc nhịp cầu đối thoại trực tiếp giữa Hoa Kỳ với Bắc Triều Tiên, chính quyền mới tại Seoul tuy khẳng định « vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại » nhưng kèm theo đó là cam kết « nghiêm khắc giải quyết » mối đe dọa xuất phát từ chế độ Kim Jong Un, bởi vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên « đe dọa an ninh toàn cầu ».  

Trong bài phân tích trên trang chủ của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược- IRIS, giám đốc nghiên cứu đặc trách về châu Á, Barthélémy Courmont đánh giá : « Nút thắt an ninh trên bán đảo Triều Tiên đương nhiên là hạt nhân. Seoul tập trung mọi chú ý vào những động thái của Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây, vì những động thái đó có thể dẫn tới một đợt thử nghiệm vũ khí hạt nhân mới ».

Về phía Bắc Triều Tiên từ đầu năm tới nay, tính đến ngày 12/05/2022 Bình Nhưỡng đã 17 lần bắn thử tên lửa. Quan hệ liên Triều xấu đi thấy rõ và như thường lệ, cứ trước mỗi mùa bầu cử ở Hàn Quốc, « Bình Nhưỡng lại nhắc nhở nước láng giềng sát cạnh » chớ quên đe dọa hạt nhân, chớ quên rằng một trong những chìa khóa an ninh đông bắc Á trong tay chế độ Kim Jong Un.

Chuyên gia viện IRIS lưu ý Bắc Triều Tiên càng phải tỏ ra quyết liệt hơn nữa bởi biết trước rằng người kế nhiệm Moon Jae In sẽ « cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, cả hai ứng cử viên tổng thống có triển vọng nhất trong cuộc bầu cử lần này cùng muốn nhanh chóng sang trang » chính sách thân thiện của chính quyền mãn nhiệm.

Riêng Yoon Suk Yeol từ trước khi đắc cử, ông luôn mạnh mẽ chỉ trích chính sách liên Triều của tổng thống Moon. Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên bảo thủ 61 tuổi này đã chẳng ngần ngại coi chủ tịch Bắc Triều Tiên là « một kẻ thô thiển » và ông đã từng kêu gọi cử tri Hàn Quốc hay tạo cơ hội để Yoon Suk Yeol « cho hắn bài học ».

Tuy vậy một khi đắc cử, lời lẽ của tân lãnh đạo Hàn Quốc có phần trau chuốt hơn. Ông đã dùng lại chiến thuật « cậy gậy và củ cà rốt », kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân đổi lấy viện trợ kinh tế.

Lời kêu gọi đó được đưa ra trước khi Bình Nhưỡng chính thức công nhận bị virus corona tấn công và phải phong tỏa toàn quốc.

Nhưng liệu rằng chiêu bài đổi vũ khí lấy lương thực đó có còn tính thời sự nữa hay không ? Theo quan điểm của giáo sư Park Won Gon, đại học Ehwa-Seoul được tuần báo Pháp L’Obs trích dẫn, có lẽ luận điểm này đã « lỗi thời » bởi vì « Từ 2009 Bắc Triều Tiên đã nhất quyết không tử bò vũ khí hạt nhân để đổi lấy những gói hỗ trợ kinh tế ». Rất có thể là lời dỗ ngọt của tân tổng thống Yoon Suk Yeol « càng khiến Bình Nhưỡng tức giận và Bắc Triều Tiên có thể coi đó như một lời tuyên chiến ».  

Khởi động lại Bộ Ba Mỹ - Nhật –Hàn và nguy cơ chọc giận Trung cộng

Trước nguy cơ căng thẳng liên Triều với những thách thức về an ninh và chiến lược mới, Yoon Suk Yeol trông cậy vào hai đồng minh truyền thống là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tân tổng thống Hàn Quốc lên cầm quyền vào lúc xung đột Nga- Ukraina là điểm nóng trên bàn cờ quốc tế. Ngay từ đầu chiến tranh Ukraina, Seoul và Tokyo là hai trong số ít các tiếng nói tại châu Á hợp lực với phương Tây, áp dụng các biện pháp trừng phạt Matxcơva đưa quân sang xâm chiếm nước láng giềng sát cạnh. Đó là một điểm son của Hàn Quốc trong mắt Washington. Tuy vậy, trọng tâm cả về ngoại giao lẫn chiến lược của Seoul vẫn là khu vực Đông Bắc Á.

Chuyên gia Pháp Barthelémy Courmont lưu ý : cũng cần hiểu rằng, đối với Hàn Quốc « quan hệ một bên là với Nhật Bản, bên kia và với Trung cộng, vẫn chiếm vị trí then chốt (…) quan trọng hơn nhiều so với liên hệ với Matxcơva, quan trọng hơn cả việc đồng thanh với phương Tây, đứng đầu là Mỹ » trên hồ sơ Ukraina.

Tổng thống Hoa Kỳ dành chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm 2022 đến châu Á, công du hai đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản. Mọi chú ý đang hướng về cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai ông Joe Biden và Yoon Suk Yeol, bởi như Barthélémy Courmont viện IRIS giải thích, sự kiện này sẽ cho phép giải mã chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Seoul và trả lời câu hỏi « cánh hữu quay lại cầm quyền sau 5 năm dưới thời tổng thống của cánh dân chủ đem lại những thay đổi gì trong chính sách đối ngoại » của Hàn Quốc ?.

Theo tác giả bài viết, về cơ bản phe bảo thủ qua hai đời tổng thống gần đây nhất là Lee Myung Bak và Park Geun Hye luôn cứng rắn với Bắc Triều Tiên và do vậy người ta có thể « dễ dàng trông thấy viễn cảnh tân chính quyền Yoon nhượng bộ trước sức ép của Mỹ để gia nhập nhóm Bộ Tứ QUAD bao gồm Hoa Kỳ Nhật Bản, Ấn Độ và Úc », cho dù là khủng hoảng Ukraina đã làm lộ rõ « tính chất vô dụng » của tổ chức này khi mà Ấn Độ dứt khoát từ chối lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina.

Vẫn theo chuyên gia Barthélémy Courmont, chưa biết Seoul sẽ tham gia Bộ Tứ dưới hình thức nào, nhưng nếu gia nhập khối này, thì đây sẽ là « quyết định quan trọng đầu tiền về đối ngoại của chính quyền Yoon song song với việc sưởi ấm quan hệ giữa Seoul và Tokyo ».

Theo tầm nhìn của tân lãnh đạo Hàn Quốc củng cố quan hệ với Nhật Bản là một ưu tiên bởi sự chọn lựa đó có thể tác động tích cực đến bang giao của chính Seoul với Washington. Nguy cơ duy nhất ở đây là một khi bộ ba Mỹ -Nhật- Hàn hoạt động nhịp nhàng trở lại, sẽ khiến Trung cộng, một đối tác thương mại lớn của Seoul, bực mình.

Ông Courmont nhắc lại năm 2017 trước khi tổng thống Moon Jae In chính thức lên cầm quyền, quyết định trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa THAAD do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo đã gây nhiều sóng gió trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung cộng. Tổng thống Moon Jae In đã phải thay đổi chiến thuật, đấu dịu với ông Tập Cận Bình.

Do vậy vồ vập quá với Tokyo và Washington, tạo đà mới cho bộ ba Mỹ -Nhật-Hàn chắc chắn Seoul sẽ phải chịu sức ép của Bắc Kinh, đó là điều « không tránh khỏi ».

Bên cạnh nguy cơ gây sóng gió với đối tác thương mại là Trung cộng, với công luận trong nước việc thắt chặt quan hệ với Nhật Bản cũng không dễ. Tân tổng thống Hàn Quốc đã đắc cử với số « đa số rất mỏng ». Chênh lệnh giữa ông và ứng viên về thứ nhì « thấp chưa từng thấy trong lịch sử », mà vì những hiềm khích trong quá khứ lịch sử, Nhật Bản vẫn là một cái gai trong tâm khảm của một phần công luận Hàn Quốc.

Chuyên gia viện IRIS, Barthélémy Courmont kết luận : Thế còn với Mỹ, nếu như đại đa số người Hàn Quốc nhìn nhận Washington là một đồng minh thiết yếu, nhưng cũng không ít người hoài nghi về mức độ « vững chắc trong những cam kết của Hoa Kỳ ». Điều đó từng được chứng minh trong những nước cờ của Washington tại châu Á và những nơi khác trên thế giới. (RFI)

 

Posted: 14/05/2022 #views: 1188
Add comment
:
Pages:  [-1]