VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
VIỆT NAM, CÓ BAO GIỜ NHƯ THẾ ?

 

Hệ thống kè ven biển trăm tỷ ở Quảng Bình tan hoang giữa mùa mưa lũ

Hệ thống kè ven biển trăm tỷ ở Quảng Bình tan hoang giữa mùa mưa lũ (vtc news)

Nguyên Quang - Trước đây, Tổng Bí Thư Đảng Việt cộng Nguyễn Phú Trọng từng thốt lên trong đại hội đảng đầy xúc động, rằng, “Nhìn lại lịch sử, Việt Nam có bao giờ được như hôm nay!” Câu này trở thành đề tài để tán của báo chí nhà nước và thành chuyện để giễu nhại của báo chí phi nhà nước cũng như các trang mạng xã hội. Lắng đi, bẵng đi nhiều năm do dịch giã, chết chóc, thiên tai, đùngmột cái, câu này lại xuất hiện sau khi các thành phố lớn ngập lụt, đặc biệt, thành phố Đà Nẵng, thành trì cuối cùng bị ngập lụt tơi tả… Người ta lại than, “Nhìn lại đất nước, có bao giờ như hôm nay!”

Phố xưa và phố bây giờ

Một cư dân thành phố Đà Nẵng, tên Khánh, buồn bã chia sẻ, “Đà Nẵng xưa và Đà Nẵng bây giờ một trời một vực, nó cũng giống như Hà Nội xưa, Sài Gòn xưa, với bây giờ, khá xa nhiều lắm!”

- “Xin ông vui lòng cho biết cụ thể hơn về cái sự khác nhau ấy?”

- “Trước 1975, các thành phố tương đối nhỏ, gọn, sạch sẽ và thoáng mát, cây xanh rất nhiều, Sài Gòn nhiều cây xanh, Hà Nội cũng nhiều cây xanh, bởi các qui hoạch của người Pháp, Mỹ đều tôn trọng thiên nhiên và lấy thiên nhiên làm nền tảng. Thế rồi sau 1975, có một quá trình không ngắn cây xanh thành phố bị biến thành củi đốt, sau này thì bị biến thành gỗ quí, sản phẩm trang trí nhà quan, nhà giàu… Kết cục là thành phố dần bị trọc cây, chỉ thấy bê tông và bê tông. Và còn một vấn đề hết sức quan trọng, đó là yếu tố con người và yếu tố mặt đất dự phòng”

- “Xin ông nói thêm yếu tố con người và yếu tố mặt đất dự phòng?”

- “Người Sài Gòn lâu năm, chắc sẽ không quên công viên Gia Định ở Gò Vấp, một công viên rộng lớn, có nhiều cây xanh, và khu vực chung quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng có rất nhiều cây xanh. Hồi trước 1975, ở ngoại ô Sài Gòn và vùng ven, nhà nào cũng có một khoảng sân, phường, quận nào cũng có những công viên, ao hồ. Đây là lá phổi của khu vực, vừa điều hòa nguồn nước tự nhiên, lại vừa điều tiết không khí, lọc không khí trong lành. Thế nhưng rồi chưa đầy ba mươi năm sau, tiến trình bức tử thành phố bắt đầu, người ta bức tử một cách nhiệt tình và hồn nhiên, bởi yếu tố con người. Anh biết yếu tố con người tai hại cỡ nào không?”

- “Dạ, không, xin ông cho biết thêm?”

- “Con người, chính tư duy con người làm mọi thứ trở nên hoàn hảo hoặc biến dạng, méo mó. Cái thứ tư duy kì cục, vừa coi thường vật chất lại vừa coi vật chất vô cùng quan trọng đã nhanh chóng đẩy một số trí thức vào chỗ bế tắc và thỏa hiệp với cái xấu, hệ quả là đến nay, mọi qui hoạch, mọi kế hoạch cho tương lai đều qui ra tiền chứ không căn cứ trên bất cứ tiêu chí nào khác cả. Mọi qui hoạch thành phố cũng vậy, tuy rằng bản qui hoạch trẻ như Đà Nẵng chẳng hạn, cũng chỉ dựa trên tiền bạc và những cái nhìn thấy trước mắt. Cứ bê tông hóa, hắc ín hóa, mọi thứ đều xây và xây, kết cục là cả cái thành phố trở thành cái chảo hứng nước, còn hệ thống thoát nước thì bị bít kín nhiều nơi, nó giống như những vết nứt trên chảo, chảy từ từ, rỉ rả. Thử hỏi như vậy thì còn gì nữa mà không chết! Vì thời tiết càng ngày càng tệ đi, họ không bao giờ hình dung hoặc chịu hình dung…”

- “Thưa ông, trước đây ông có làm công việc liên quan đến qui hoạch đúng không ạ?”

- “Trước 1975, tôi là một kiến trúc sư, sau 1975, tôi cũng là một kiến trúc sư nhưng đã được kinh qua trại cải tạo mấy năm vì có làm việc cho chính quyền cũ. Nên cách nhìn của tôi về qui hoạch thành phố hiện tại, nó đầy bi quan anh ạ. Bởi vì mình nhìn thấy những chỗ đụng vào là sẽ chết, thời xưa cụ Ngô Viết Thụ cũng từng nói nhiều rồi. Thế nhưng bây giờ người ta làm tới, dường như chẳng có bất kì qui hoạch khoa học nào sau năm 1975 đến nay, mà chỉ có những qui hoạch áp phe. Chính các qui hoạch áp phe đã giết chết mọi thành phố.”

Lúc mọi nơi phong tỏa dịch giã thì giảm giá, lúc cần nhiên liệu đi làm thì cây xăng treo bảng hết xăng, đất nước có bao giờ như hôm nay? (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Những lề đường với đầy hàng Trung cộng, lòng đường không có chỗ thoát nước... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Những lòng sông cạn, những cây cầu nghìn tỷ được lên dự án nhưng nhiều nơi trẻ em vẫn phải đu dây đến trường. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đường sá theo kiểu hôm nay làm, mai cày lên, ngày kia thi công lại... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Có bao giờ như hôm nay?

Đây cũng là câu cửa miệng của mọi người, nó như một sự tỉnh giấc sau cơn mộng dài, một cơn mộng mà đôi khi người trẻ bây giờ rất say sưa và khư khư với nó. Như ca sĩ Tuấn Hưng ở Hà Nội, trong một lần biểu diễn trên ban công gia đình cho người qua đường nghe hát, anh đã chảy nước mắt, nói trong nghẹn ngào, “Các bạn hãy quên thằng Tuấn Hưng là thằng nào đi! Các bạn phải tin rằng chúng ta đang sống trong một đất nước phát triển bậc nhất thế giới…” Nói tới đây, nước mắt Tuấn Hưng chảy dài, nỗi say sưa, đam mê và tràn trề niềm tin của một người trẻ, đương nhiên là trẻ về tư duy và suy nghĩ, chứ tuổi Tuấn Hưng cũng đã tròm trèm năm mươi, chẳng còn trẻ gì!

Cái tâm lý say sưa, thậm chí đôi khi như ốp đồng này có ở rất nhiều người trẻ, bởi hệ qui chiếu xã hội của họ là vật dục, họ đánh giá sự phát triển cũng như giá trị con người thông qua chiếc xe, căn nhà, bữa ăn, áo quần mặc trên người và hột xoàn đeo trên tay… Họ mạnh miệng tuyên bố quan điểm của mình và cũng không cần đắn đo suy nghĩ gì cho nhiều, bởi với một câu nói chẳng đâu vào đâu được thốt ra từ miệng của nhân vật đã được đánh bóng tên tuổi, có thêm sự giàu có thì nó rất dễ thành chân lý, đó là thứ chân lý của đám đông và là chân lý không cần suy tư hay thẩm định, nó cần được gắn trên khuôn miệng của người nổi tiếng, mà sự nổi tiếng ấy ra sao, thì có lẽ đám đông mới trả lời được theo cách của họ.

Một bạn trẻ, là Tiến Sĩ Khoa Học, hiện đang tự mở doanh nghiệp, không muốn nêu tên, chia sẻ về vấn đề thành phố bây giờ, “Ngập ngụa, theo mọi nghĩa, có thể nói rằng quá trình phát triển nóng chỉ là một phần nguyên nhân của lỗi hệ thống.”

- “Ngoài phát triển nóng vẫn còn nguyên nhân khác sao anh?”

- “Đúng rồi, thực ra phát triển nóng chỉ là hệ quả của nguyên nhân trước đó, bởi người ta ồ ạt, vồ vập và không đủ tư duy tổng quát, không có tầm nhìn đủ rộng để nghĩ đến những chuyện khác nên tiền bạc nhanh chóng chiếm vị trí trong suy nghĩ, hậu quả là thành phố, hầu như mỗi thành phố tại Việt Nam đều na ná nhau về thiết kế, tức nhìn bên ngoài cũng giống như bất kì thành phố phương Tây nào, vẫn rất hoành tráng và rực rỡ, nhưng bên trong thì rất khác, rất Việt Nam, tức hệ thống cấp thoát nước luôn có vấn đề, hệ thống điện đường, trường trại cũng có vấn đề nốt. Thì cứ nhìn lại sẽ thấy ngay, suốt nhiều năm nay, vấn đề thoát nước, chống ngập ở các thành phố luôn nhức nhối và gây tốn kém vô cùng nhưng chẳng tới đâu. Gần đây thì mọi thứ càng nặng nề hơn.”

- “Theo anh, có cách nào để khắc phục, và có hi vọng thay đổi được gì không?”

- “Tôi nghĩ không có gì là không thể khắc phục được. Nhưng chúng ta có thực sự chịu khắc phục và chấp nhận loại bỏ những cái xấu, cái dở có liên quan đến bản thân hay không mà thôi! Bởi vì trong vấn đề tìm một thành phố thân thiện, xanh, sạch, đẹp, có lẽ phải loại bỏ những thành phần bằng giả đang ngồi trong hệ thống nhà nước, bởi đây là cái gốc vấn đề”

- “Cái gốc vấn đề? Tôi chưa được tỏ tường cho lắm, xin anh nói rõ hơn?”

- “Bởi mọi tấm bằng giả, chắc chắn không phải là bằng thật và không có sự học hành tử tế trong những tấm bằng này, một khi những tấm bằng như vậy lọt lưới, ngồi chỗ cao thì đương nhiên nó phải được đầu tư rất kĩ, sau đó thu hồi vốn, và trong quá trình đầu tư hay thu hồi vốn của nó đã làm lay chuyển mọi giá trị tinh thần trong hệ thống, đó là chưa muốn nói đến khi nó có quyền lực, để đạt được mục đích, nó sẽ loại bỏ mọi thành phần trí thức thực thụ và nó mặc sức tung hoành, làm giàu trên thân xác đất nước. Hậu quả thì miễn bàn rồi, như đã thấy rồi!”

- “Anh thuộc thành phần trí thức thực thụ, anh có cảm giác mình bị loại bỏ không?”

- “Tôi không dám nói mình là trí thức thực thụ, bởi nói vậy nghe to tát quá, nhưng tôi cũng không thể xếp mình ngang hàng với loại giả danh trí thức được. Mà loại này thì không hiểu sao lại rất có quyền lực, hô mưa gọi gió được. Lẽ nào đất nước lại quay trở lại cái thời tiền phong kiến?”

- “Quay trở lại thời tiền phong kiến, nghĩa là…?”

- Dường như kẻ sĩ, kẻ có chữ nghĩa của thời đó chỉ được cái tầm chương trích cú, rất tin vào sách vở, nhưng lại vô cùng nhát gan, thiếu dũng khí và sẵn sàng phò tá cho những kẻ bất hảo. Anh nhìn lại lịch sử Việt Nam đi, những trí thức phò những kẻ trùm cướp hoặc đầu đảng để làm nên nghiệp đế vương cho kẻ trùm, kẻ đầu đảng. Và kết quả của quá trình đó là mọi thứ tan hoang. Nhìn lại trí thức bây giờ, họ cũng xun xoe trước quyền lực, bạo quyền, cường quyền… Và bằng chứng lớn nhất là hầu như càng về sau, các thành phố càng tan nát trên mọi nghĩa, từ đời sống, cơ sở hạ tầng cho đến vấn đề xã hội. Điều này do đâu?!”

- “Vậy đâu thấy hi vọng gì?”

- “Không, tôi thấy rất tin tưởng, hi vọng vào sự thay đổi. Vấn đề là người ta có nhìn thấy sự cấp thiết để thay đổi hay không mà thôi. Chỉ cần chịu thay đổi, thì mọi thứ sẽ khác!”

Câu chuyện còn dài, nhưng có lẽ, vấn đề của hai người, một từng là kiến trúc sư trước 1975, một là trí thức hiện tại, họ đều có chung nhận xét và nỗi trăn trở về đất nước với câu cảm thán, “Đất nước có bao giờ như hôm nay!” theo cách của họ… Điều này cũng nói lên được nhiều điều!

Hàng thật hàng giả chẳng biết đâu mà lần... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Những ngọn đồi trọc sau bao năm khai thác. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Đại hội nào mà không có công trình chào mừng. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Xây dựng đội ngũ cán bộ để làm đầy tớ của nhân dân? (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Những quán cà phê võng, karaoke, quán nhậu mọc lên khắp nơi... (Nguyên Quang/ Viễn Đông)

“Đất nước có bao giờ như hôm nay,” câu nói trở dậy ở thành phố mệnh danh đáng sống nhất Việt Nam. (Nguyên Quang/ Viễn Đông)


Nguyên Quang  (viendongdaily)

 

Posted: 27/10/2022 #views: 3799
Add comment
:
Pages:  [-1]