VietOrg Media
Services    Employment    Services    Restaurants    Medical & health    Real Estate    Shops    Construction    Music    Lawyers    Travelling    Technology    Insurance    Hotel/motel/cottages    Transportation    Beauty    General service    FINANCE/BANKING    MEDIA
      
Bác sĩ Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại CHLB Đức

Lần đầu tại Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện... | HỆ THỜI SỰ CHÍNH TRỊ TỔNG  HỢP - VOV1

Trần Văn Tích

Sau ngày 30.04, giới bác sĩ Việt Nam không thể sống dưới chế độ cộng sản đã xin tỵ nạn khắp thế giới. Có người sang tận Do Thái. Có người sang tuốt Nam Mỹ. Nhưng đa số xin tỵ nạn ở Hoa Kỳ, Pháp và Canada. Hoa Kỳ vốn đã từng can thiệp vào việc đào tạo bác sĩ Việt Nam dưới nhiều hình thức và ở nhiều cường độ nên Mỹ hầu như không gặp khó khăn gì khi đánh giá văn bằng của giới bác sĩ gốc Việt. Pháp vốn là mẫu quốc của Đông Dương nên cũng gặp thuận lợi khi cứu xét giá trị văn bằng tiến sĩ y khoa quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt các bác sĩ Việt Nam do Trường Đại học Y khoa Hà nội-Sài gòn đào tạo trình luận án trước 1965 được Pháp công nhận vì trước thời điểm đó, Đại học Y khoa Đông Dương giảng dạy theo chương trình đại học y khoa Pháp và do các Giáo sư Pháp phụ trách. Canada ban đầu không hoan nghênh giới bác sĩ tỵ nạn đến từ Min Nam Việt Nam vì thị trường lao động Canada có những nhu cầu nhân sự thuộc các lĩnh vực khác với y khoa. Riêng nước Đức là lúng túng khi đối diện với nhóm người khai báo là mình tốt nghiệp từ Đại học Y khoa Sàigòn. Bài viết này ghi lại những bước đầu gian truân của thành phần bác sĩ Việt Nam xin tỵ nạn cộng sản tại Đức và muốn tiếp tục hành nghề chuyên môn y khoa. Đối tượng đề cập đến là bác sĩ xuất thân từ Trường Đại học Y khoa Sàigòn và có ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà hay không. Thời gian đề cập là những thập niên 75-85. Phạm vi lãnh thổ đề cập là Cộng hoà Liên bang Đức, quen gọi là Tây Đức, trước khi nước Đức thống nhất.

 

Bước đầu xin hành nghề

Một giai đoạn dài sau 75, trong khi các nước Mỹ, Pháp, Canada dồn sức giải quyết vấn nạn hành nghề trên quê hương dung thân mới của giới bác sĩ Việt Nam xin tỵ nạn cộng sản thì nước Tây Đức tương đối bình yên. Trong chiến tranh quốc cộng tại Miền Nam nước ta, Tây Đức chủ trương không dính dáng vào chuyện đánh nhau mà chỉ cố công giúp đỡ về phương diện dân y dân sự. Một chiếc tàu Helgoland đến đậu ở bến Bạch Đằng rồi sau đó chuyển ra Đà Nẵng. Ba bốn giáo sư y khoa của Đại học Freiburg im Breisgau sang giúp Đại học Y khoa Huế để rồi bị Việt cộng thảm sát trong vụ Mậu Thân. Dăm ba học bổng dành cho bác sĩ Việt Nam, trong số này có Bác sĩ Phạm Hữu Chí, cùng khoá với tôi, ra trường năm 1962, được cấp học bổng sang Đức học về nội soi bao tử. Hồng Thập Tự Đức, Giáo hội Tin lành Đức, Caritas đóng góp giúp đỡ theo khả năng. Hết sức vận động hành lang trong giới ngoại giao Đức, đề án xây dựng cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà một cơ sở sản xuất dược phẩm được cả hai Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng Hoà và Tây Đức chấp thuận nhưng khi ra Quốc hội Đức thì nhóm dân biểu đối lập phản đối và bác bỏ, Quốc hội Đức chỉ chịu thông qua dự án nếu dành cho viện trợ nhân đạo dân sự dân y.

Muốn hành nghề y sĩ ở Đức, tất nhiên trước tiên phải được công nhận là bác sĩ. Vì ra đi chính thức nên tôi có thể mang theo đầy đủ giấy tờ, gồm certificat provisoire do Giáo sư Phạm Biểu Tâm ký và văn bằng Tiến sĩ Y khoa Quốc gia do Viện Đại học Sàigòn cấp phát. Khi Sở Lao động giao cho thông dịch viên hữu thệ người Việt dịch văn bằng của tôi, người dịch có lẽ không có ý niệm về doctorat d’état và doctorat d’université nên đã chuyển thành Arztdiplom der nationalen Medizin! Không có chữ tiến sĩ mà lại có một nền y khoa national, có lẽ để phân biệt với các nền y khoa paranational, multinational, supernational etc..? Cơ quan nhà nước Đức không cù lần như thế. Người ta phán rằng tôi được phép mang học vị chính thức là Dr. med. staatl. (Vietnam) : tiến sĩ y khoa quốc gia (Việt nam). Nếu là văn bằng do các đại học tư cung cấp, không phải do quốc gia cấp thì người Đức gọi là Dr. med. univ. (Budapest) chẳng hạn.

Muốn làm việc ở Đức, người ngoại quốc cần có giấy phép làm việc, do Sở Lao động địa phương cấp theo đơn xin. Chúng tôi đến Đức trong tư thế hợp pháp nên việc xin cấp giấy này không gặp chút khó khăn nào. Nhưng muốn hành nghề y sĩ còn phải có thêm giấy phép hành nghề. Được công nhận bằng cấp là một chuyện, được cấp giấy phép hành nghề là chuyện khác. Xin cái laixăng này rất gian truân. Anh nộp đơn ở bệnh viện, người ta bảo anh kèm theo laixăng thì sẽ mời phỏng vấn. Anh đi xin laixăng thì hành chánh lại bảo nếu bệnh viện thu nhận thì sẽ có laixăng! Đá banh qua lại như thế, mình ở giữa tối tăm mặt mũi, quờ quạng chẳng biết đâu mà mò. Đồng nghiệp Đoàn Minh Quang được chủ nhân một phòng mạch nhãn khoa ở München mời đến phỏng vấn nhưng khi xin cấp giấy phép hành nghề thì bị từ chối bởi vì tiểu bang Bayern của Đức vốn nổi tiếng kỳ thị nguời ngoại quốc. Đã không được cấp giấy phép thì chớ, anh bạn còn nhận thêm thư hăm dọa phải rút lại hồ sơ xin việc, nếu không, sẽ phải đóng phí khoản 50 DM về dịch vụ nghiên cứu hồ sơ nhằm bác bỏ vụ xin cấp laixăng! Đã nghèo lại mắc cái eo, đang hưởng trợ cấp xã hội mà sắp có cơ may phải móc túi 50 DM để nhận thông tri bác bỏ cấp giấy phép, chắc ai cũng đoán được cuối cùng anh bạn đã quyết định như thế nào. Tôi may mắn hơn. Anh bạn trẻ Lương Lễ Hoàng học tôi ở Y khoa Minh Đức Sàigòn và vượt biển được Cap Anamur vớt nên sang Đức trước tôi mấy năm. Anh Lương Lễ Hoàng rất xông xáo nên có chỗ làm trong một cơ quan y tế tư nhân nhỏ bé chuyên về châm cứu. Ảnh dắt tôi đến cơ quan – thực ra chỉ là một căn phòng khá lớn trong một chung cư – rồi giới thiệu tôi với viên quản lý. Ông này cấp cho tôi một cái giấy vô thưởng vô phạt nhận rằng cơ quan ông ta có thể tuyển tôi làm bác sĩ hành nghề như một tư chức. Tôi nộp chứng chỉ này cho phía hành chánh và nhận được ngay laixăng.

 

Nhu cầu cần được thừa nhận, một nhu cầu sống chết

Đứng về phương diện pháp lý, anh có thể vượt qua một số thủ tục – dù vượt qua rất gian nan – để được công nhận là bác sĩ. Nhưng đối với công luận, đối với cộng đồng thì khác. Cộng đồng phân biệt nhóm bác sĩ tỵ nạn với nhóm bác sĩ du học. Nhóm thứ hai này gồm các cựu sinh viên được chế độ quốc gia cho đi du học Tây Đức và tốt nghiệp bác sĩ tại các trường đại học y khoa Đức. Họ có thái độ hoài nghi đối với trình độ chuyên môn của giới bác sĩ tỵ nạn. Có người nói hẳn ra, có người không nói hẳn ra nhưng cho người khác hiểu ngầm rằng Đức sẽ không thể nào thu nhận người bác sĩ Việt Nam tỵ nan được vì nền giáo dục y khoa Đức rất tiến bộ, so với nền giáo dục y khoa Việt Nam! Chỉ nội việc đọc tâm điện đồ đã là một khó khăn to lớn rồi! Nói chi đến những máy móc hiện đại tân kỳ mà chỉ y khoa Tây Đức mới có!

Người bác sĩ Việt Nam tỵ nạn cộng sản trên đất Tây Đức lâm vào hoàn cảnh chỉ biết dựa vào sức mình là chính để tự giải quyết các khó khăn về hành nghề. Chúng tôi đứng ra thành lập Hội Y Nha Dược sĩ Việt Nam Tự do tại CHLB Đức và được Hồng Thập Tự Đức cùng Cơ quan Độc Lập dốc lòng ủng hộ trong việc này. (Cơ quan Độc Lập là một tổ chức có mục đích giúp đỡ người Việt tỵ nạn hội nhập vào xã hội Đức; nó được Hội thánh Tin lành Đức yểm trợ tài chánh). Thoạt tiên anh em chúng tôi bầu một anh bác sĩ đứng tuổi du học và có phòng mạch tư vào chức Hội trưởng nhưng qua một nhiệm kỳ hai năm anh bạn không làm được gì. Năm thứ ba trở đi, tôi đứng ra nhận chức Hội trưởng. Vào thời kỳ đó, lác đác trong chúng tôi đã bắt đầu có anh chị em xin được việc làm, thường là trong các nhà thương tư.

Xuất thân từ Đại học Y khoa Sài gòn và tốt nghiệp trước tôi chỉ có một đồng nghiệp là Anh Vũ Âu. Tôi hết sức tìm cách liên lạc với Anh Vũ Âu, hoặc liên lạc trực tiếp qua địa chỉ tư nhân ở Karlsruhe, tiểu bang Baden-Württemberg, hoặc liên lạc gián tiếp qua một người bà con gần của anh vì anh này thường gặp gỡ tôi trong các buổi sinh hoạt đấu tranh chính trị. Nhưng tất cả những gì tôi được biết là anh bạn Vũ Âu sang Đức chỉ đi làm với Đức trong các nhà thương một thời gian rất ngắn.

Trong bối cảnh đó chúng tôi có nhu cầu chứng minh cho cộng đồng tỵ nạn cộng sản và tập thể sinh viên du học thấy rằng nếu gặp điều kiện thuận lợi, chúng tôi sẽ hội nhập dễ dàng. May làm sao có hai trường hợp cá nhân đã giúp chúng tôi thoả mãn nhu cầu liên hệ.

 

Niềm hãnh diện thứ nhất : Bác sĩ Dư Quốc Trung, bác sĩ chuyên khoa giải phẫu Đức

Anh Dư Quốc Trung là sinh viên Đại học Y khoa Sài gòn tốt nghiệp năm 1969, đồng thời Anh cũng là Quân y Hiện dịch Khoá 16. Anh sang Đức vìChị Dư Quốc Trung là Dược sĩ Đỗ thị Nguyệt Anh được một Giáo sư Đại học Dược khoa Đức bảo lãnh. Đến Đức, Anh Dư Quốc Trung lập thủ tục xin việc làm trong các bệnh viện đồng thời Anh cũng được Đức chấp thuận cho tham dự một quá trình đào tạo thành bác sĩ chuyên khoa giải phẫu. Sau những năm đào tạo chuyên môn, bác sĩ người Việt tỵ nạn cộng sản Dư Quốc Trung được cấp bằng Facharzt für Chirurgie, Bác sĩ Chuyên khoa Giải phẫu. Trong số bác sĩ Việt Nam tỵ nạn cộng sản tại CHLB Đức thuộc thế hệ thứ nhất, anh Dư Quốc Trung là bác sĩ đầu tiên trở thành bác sĩ được Đức cấp phát văn bằng bác sĩ chuyên môn. Sau đó Anh ra mở phòng mạch tư tại Krefeld cho đến ngày hưu trí. Bác sĩ Dư Quốc Trung mất ngày 01.06.2022.

Trong một buổi họp mặt đông đảo với sự tham dự của các giới chức y khoa Đức và một số chính trị gia Đức cùng với ban lãnh đạo Trung tâm Độc Lập – gồm Tiến sĩ Dương Hồng Ân và Kỹ sư Vũ Ngọc Yên – tôi hãnh diện giới thiệu anh Bác sĩ Dư Quốc Trung với cử toạ Đức-Việt trong tư cách là một Facharzt, một bác sĩ chuyên khoa do nền giáo dục y khoa Tây Đức đào tạo nên. Qua lời giới thiệu với người mình và với người ngoài, tôi không nói ra nhưng ngầm nói rất rõ là nếu có cơ may, chúng tôi đều có thể trở thành bác sĩ chuyên khoa Đức như Anh Bác sĩ Dư Quốc Trung.

 

Niềm hãnh diện thứ hai : Y sĩ Trung tá Quân đội Hoa Kỳ Nguyễn Dương

Các buổi gặp gỡ của anh chị em y nha dược sĩ người Việt tỵ nạn cộng sản tại CHLB Đức là những cơ hội rất tốt để chúng tôi tìm đến với nhau. Chúng tôi không những chỉ gồm giới bác sĩ người Việt tỵ nạn cộng sản mà còn gồm những bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ du học, những sinh viên y nha dược đang theo học các trường đại học Đức và một số đồng bào ngoài y giới. DRK, Hồng Thập Tự Đức hết lòng ủng hộ chúng tôi trong vấn đề tổ chức. Chi phí vận chuyển được bồi hoàn, thức ăn nơi ngủ được cung cấp rất đầy đủ và tiện nghi, không khí sinh hoạt tập thể rất thân hữu và thoải mái.

Bác sĩ Nguyễn Dương đã đến cùng chúng tôi trong bối cảnh đó. Anh Nguyễn Dương cũng là sinh viên quân y hiện dịch cùng khoá với anh Dư Quốc Trung. Thoạt tiên Anh đến chơi tôi tại nhà riêng ở Bonn. Rồi khi được biết chúng tôi tổ chức hội ngộ định kỳ thường niên do DRK yểm trợ thì Anh cũng đến tham dự. Hôm đó có cả nhị vị lãnh đạo Trung tâm Độc Lập là Tiến sĩ Dương Hồng Ân và Kỹ sư Vũ Ngọc Yên. Khi tôi giới thiệu anh Nguyễn Dương – Anh mặc thường phục – với hai vị qua cấp bậc và chức vụ : bác sĩ trung tá Mỹ; rõ ràng cả anh Dương Hồng Ân lẫn anh Vũ Ngọc Yên đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Anh Kỹ sư Vũ Ngọc Yên – vốn rất thân với tôi – hỏi lại : sao lại quân đội Mỹ? Tôi trả lời với tất cả tự hào : thì quân đội Mỹ đóng ở Đức, trong khuôn khổ NATO, anh Nguyễn Dương di tản sang Mỹ năm 75, gia nhập Quân đội Hoa Kỳ, từ Y sĩ Đại uý của VNCH thăng cấp dần thành Y sĩ Trung tá của Quân đội Mỹ và hiện đóng ở Nürnberg.

 

Cái thuở ban đầu…

Chúng tôi vận động y giới Đức, chính giới Đức, đảng phái Đức và các cá nhân có cảm tình với tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản nói chung, có cảm tình với giới y nha dược sĩ Việt Nam tỵ nạn cộng sản nói riêng. Vận động qua danh nghĩa Hội Y Nha Dược sĩ hay qua tư cách cá nhân. Có những Anh Chị Em dốc lòng làm việc này. Anh Dược sĩ Lý Huỳnh Bá tuy không phải thuộc thành phần tỵ nạn mà thuộc thành phần du học đã hết sức kiếm việc làm cho các nam nữ dược sĩ và đã rất thành công : các dược sĩ tỵ nạn dần dà được thu nhận vào tập sự trong các dược phòng – tuy gọi là tập sự nhưng được trả lương dược sĩ theo luật định. Chị Nha sĩ Nguyễn thị Thục Quyên nguyên là dân tỵ nạn cộng sản nhưng được phía Đức công nhận bằng cấp rất sớm. Thành thạo Đức ngữ và rất quảng giao,

Chị vận động để phía Đức giới thiệu cho một bác sĩ Việt Nam tỵ nạn cộng sản được thu nhập vào bệnh viện chuyên môn hầu được đào tạo thành bác sĩ chuyên khoa tâm thần học, vì trở ngại ngôn ngữ giữa bác sĩ Đức và bệnh nhân Việt là một rào cản hầu như không thể vượt qua. Chúng tôi tìm ra một lối đi vòng để giải quyết công ăn việc làm cho giới bác sĩ là hành nghề châm cứu. Với người Tây phương, hễ là bác sĩ Á đông thì ắt phải biết châm cứu, do đó nhiều anh em được thu nhận vào làm việc tại nhiều cơ sơ tư nhân điều trị bằng châm thuật. Người này được nhận lại quay qua giới thiệu người khác.

Nay thì những đối tượng của bài viết này đều đã nghỉ hưu trí, một số đã về với lòng đất. Tổng kết lại, trong số bác sĩ Việt Nam tỵ nạn cộng sản được Đức đón nhận có ba bác sĩ trở thành bác sĩ chuyên khoa Đức : bên cạnh Bác sĩ Dư Quốc Trung chuyên khoa giải phẫu còn có Bác sĩ Trần Minh Yến chuyên khoa phục hồi chức năng và Bác sĩ Tôn Thất Hứa chuyên khoa gây mê cấp cứu. Đa số bác sĩ khác được công nhận bằng cấp để tiếp tục hành nghề y trong các bệnh viện tư nhân hay bệnh viện tôn giáo. Phần tôi thì trong quá trình hội nhập nghề nghiệp nơi quê người, tôi còn tham gia giảng dạy đông y cho các bác sĩ Đức muốn hành nghề đông y. Trong các khoá học này, người Đức nào cũng hân hoan thích thú, gật gù tán thưởng khi nghe tôi minh định rằng đông y đông dược được vận dụng tại bệnh viện phối hợp y khoa khoa học-y khoa cổ truyền là nền đông y đặc thù, chuyên biệt, là TCM made in German(TCM là viết tắt ba chữ Traditionelle Chinesische Medizin).

Lần hồi như vậy mà tôi hành nghề bác sĩ trên lãnh thổ CHLB Đức cho đến năm tám mươi tuổi mới nghỉ hưu.

07.06.2022

Posted: 13/06/2022 #views: 1108
Add comment
:
Pages:  [-1]