Tôi có thằng bạn nối khố. Nối khố đúng nghĩa, thân nhau từ nhỏ đến lớn. Cho đến bây giờ đầu hai thứ tóc mà vẫn mầy tao. Dĩ nhiên tôi phải gọi vợ hắn bằng chị một cách lễ phép. Chúng tôi sinh ra, lớn lên ở thành phố Hội An. Ðó là một thành phố cổ mà ai cũng biết. Cả mấy trăm năm mà hầu như ít có người sửa lại ngôi nhà của mình. Họ bảo thủ cũng có nhưng sửa để làm gì? Con cái lớn lên, đứa nào cũng tìm cách bay nhảy ra khỏi thành phố, vả lại nhà có hư, dột gì đâu? Nhà xưa, tường xây mấy lớp gạch dày, ngói lợp âm dương, sườn nhà bằng gỗ tốt, mấy cây cột nhà to tướng bằng gỗ lim, gõ...mối, mọt gặm gãy răng không ra. Có điều bất tiện là nhà nhiều cột quá. Tôi nhớ lúc nhỏ, khuya dậy đi tiểu, mắt nhắm mắt mở, hai tay quờ quạng phía trước, vậy mà cứ đập trán vô cột nhà hoài. Còn đường phố ở Hội An, ngay cả đường phố chính cũng chỉ rộng hơn đường hẻm ở Sài Gòn chút đỉnh, nghĩa là vừa cho chiếc xe hơi chạy một chiều. Có lẽ ngày xưa, cách đây khoảng bốn, năm trăm năm, người ta làm đường đủ cho hai chiếc xe ngựa tránh nhau mà thôi. Sau nầy, các con đường được mở tối đa, lấn đến sát thềm nhà, đến độ, bước ra khỏi cửa là đặt chân xuống lòng đường, khiến cho Hội An trông rất đặc biệt, như không có đường phố lớn và mọi nhà đều xây mặt ra hẻm. Hội An giống một cái túi, ra vào chỉ một con đường đi Vĩnh Ðiện, nối với Quốc lộ 1, cho nên con người ở đó loay hoay với nhau như trong tổ mối. Họ thân thiết nhau đến độ biết rõ gia phảø mấy đời trước của nhau.
Tôi xin dài dòng, linh tinh một chút về bạn tôi. Bạn tôi tên Công, trong lớp, ngồi gần tôi vì cùng vần C. Nhớ năm đó có cô Lê thị Tường Loan, giáo sư Anh văn, mới ra trường. Cô Tường Loan trẻ và đẹp lắm. Mỗi khi cô vào lớp là bọn đệ tử chúng tôi ngồi ngắm cô sa đà, quên cả trời trăng. Cô đã đẹp còn diện hết sẩy, mỗi ngày một áo dài khác nhau. Bọn con gái còn đếm được cô có mấy chục áo dài tất cả, mà cô thì cứ may áo mới hoài. Mùa đông, hơi lạnh một tí là cô diện áo ấm vào, trông như nữ minh tinh Hồng Kông. Cô mới ra trường, chỉ hơn bọn đệ tử năm, bảy tuổi nên chúng tôi xem như cùng trang lứa, tuy kính nể nhưng cũng thích chọc ghẹo cô. Thế nên, hễ nghe cô gọi đến tên Công lên trả bài, làm gì cả lớp cũng nhao nhao “Công ngủ rồi, cô!” Cô ngạc nghiên hỏi hắn “Sao trong lớp anh lại ngủ?” Hắn ú ớ “Dạ, mấy bạn chọc em đó cô” Ðúng là cô giáo mới ra trường, ngây thơ chi lạ! Nhưng sau cô cũng hiểu. Lần sau, cô gọi hắn, đứa nào nói “Công ngủ rồi ạ!” là cô làm nghiêm, mặt đỏ lên, và cô hành cái thằng dại miệng đó chết xác luôn. Nhưng khổ nổi, hễ cô mà gọi đến tên Công là bao nhiêu cái miệng ngứa ngáy. Sau mới nghĩ cách khác, chúng mách cô “Công còn thức, cô!” Lần nầy các cậu cũng vẫn bị phạt mà cứ ngơ ngác không hiểu vì sao?! Kể ra, để thấy rằng, Công, bạn tôi chẳng có giá trị gì cả.
Chuyện tôi và hắn thời tiểu học thì cho qua đi, lên trung học, khoảng đệ tứ, đệ tam tâm hồn mới có vấn đề, nghĩa là tập tểnh đi tìm người đẹp để dâng quả tim. Thời đó, khoảng thập niên sáu mươi, tôi nhớ, Hội An có nhiều người đẹp. Cô Hà thị Tuyết ở gần chợ đẹp ngây thơ, hiền hậu, cô “Liên chuột bạch” đường Nguyễn thái Học rất dễ thương. Cô Lý tuyết Ánh đã đẹp mà hát bài “Mai Quế” nhạc tàu, hay lắm. Cô Tuyết Trinh nhà ở tiệm ảnh Huỳnh Sỏ hát bài “Tôi vẫn yêu hoa màu tím” còn hay hơn ca sĩ Lệ Thanh. Còn một cô nữa, rất đẹp mà hát cũng hay, không thể nói tên ở đây vì là nhân vật chính trong chuyện tôi sắp kể. Tôi xin tạm gọi là cô An. Bạn tôi “si” cô nầy như là một thứ bịnh tâm thần. Càng yêu, hắn như càng mất tinh thần trước cô. Mới thấy người đẹp đằng xa là chân tay cứ run lên, thở không ra hơi. Bạn tôi xấu trai. Dân thành thị mà đen thùi, mặt hắn chành bành như mặt ông địa múa lân, chân tay cục mịch, khi đi cứ bước thình thịch xuống mặt đường như trâu dậm. Ngữ hắn thì hy vọng gì trước cô An, đẹp như tiên, học giỏi, hát hay. Hắn thua sút các bạn cùng tuổi, chỉ có tâm hồn thì hơi lãng mạn. Hắn làm thơ. Làm thơ ca tụng em An. Thơ hắn thường thấy xuất hiện trên báo, báo ở Sài Gòn đàng hoàng. Hắn xứng đáng được gọi là “nhà thơ”, nhưng chút danh vọng đó cũng chẳng giúp hắn được cô An tỏ cử chỉ gì ưu ái hơn các bạn khác.
Vì yêu em hắn đã làm một chuyện lạ đời. Xưa nay chỉ có hắn là đến nhà thờ cầu Chúa rồi đến chùa lạy Phật cầu xin cho em yêu hắn. Hắn chỉ khấn có một câu“Lạy Phật (hoặc) lạy Chúa cho em An yêu con!”. Chỉ riêng tôi hắn mới nói sự bí mật đó. Hắn bảo rằng với lòng thành của hắn, Phật, Chúa ắt động tâm vì các đấng đã chẳng dạy chúng sinh phải yêu thương nhau là gì? Tôi không nói ra nhưng nghĩ rằng, các đấng ấy hơi đâu lo chuyện tào lao. Giúp đỡ, an ủi lũ chúng sinh bất hạnh mà thế gian vẫn chưa hết đau khổ, thì giờ đâu mà lo cho hắn?! Ấy vậy mà phép lạ xảy ra mới kỳ. Hắn được người đẹp nắm tay dẫn đi rồi còn nhảy tót vào ngồi trong vòng tay hắn và ôm hắn nữa. Nguyên nhân như thế nầy. Hè năm đó trường Trần Quí Cáp tổ chức đi chơi Ngũ Hành Sơn, đi, về trong ngày. Ngũ Hành Sơn, còn gọi là Non Nước, cách Hội An độ vài mươi cây số, ở ngoại ô thành phố Ðà Nẵng, gồm năm ngọn núi đá nhỏ, có một số hang động, có chùa chiền, có đường lên trời, đường xuống biển. Lúc bấy giờ có một hang động mới vừa tìm thấy, nên ai cũng tò mò muốn xem. Sáng hôm đó, xe đỗ học sinh trước động mới. Các thầy cô sắp xếp học sinh đi vào động. Con gái đi riêng, con trai đi riêng. Khi vào, đèn đuốc được thắp sáng lên, tất cả lần lượt đi rất trật tự. Nhưng vào bên trong thì vì chỗ nào cũng có những hình tượng kỳ lạ, nên lũ học trò trầm trồ, đi linh tinh, gọi nhau ơi ới, chẳng còn hàng lối gì cả. Bạn tôi nhân lúc lộn xộn, lẻn chen vào toán con gái, hắn đi theo người đẹp. Trong động thiếu ánh sáng, đèn đuốc chập chờn. Ai cũng lo ngắm nghía mấy cái thạch nhủ. Ða số các cô mắt cứ nghiêng ngó chung quanh, tay thì nắm tay bạn cho khỏi lạc. Một lần, cô An, người đẹp của hắn, mắt nhìn lên nóc động, tay quờ quạng phía sau để nắm tay bạn, gái, dĩ nhiên. Hắn đứng sau, lẳng lặng đưa tay ra, thế là người đẹp vô tình cứ nắm lấy tay hắn lôi đi. Chỉ mình tôi theo dõi chuyện đó. Tôi thấy lúc nắm tay hắn, cô hơi khựng lại. Hú vía! cô không quay nhìn hắn. Hắn để cho cô dẫn đi cả buổi mới rút tay lại và quay về toán con trai. Tôi hỏi hắn sao không tiếp tục, hắn bảo sợ người đẹp phát giác, vả lại có cô thầy đứng gần đó. Ðàn ông con trai, già trẻ gì cũng giống nhau, yêu ai, nhất là yêu thầm, coi người đó như thần tượng, rất tôn quí, rất cao xa. Như bạn tôi yêu cô An, bỗng dưng được người đẹp nắm tay, thử hỏi có thứ hạnh phúc nào sánh bằng? Hắn mừng lắm, khoe với tôi rằng tay em dịu dàng, mát rượi. Rồi hắn cứ hôn mãi bàn tay (của hắn) đã được em nắm dẫn đi. Khi ra khỏi động, mọi người ngồi rải rác để thở vì ngộp và nóng. Thấy cô An ngồi hơi xa các bạn trên một tảng đá, hắn làm như vô tình đến ngồi bên cạnh.
Thực ra học sinh, trai gái ngồi cạnh nhau là bình thường, nhưng với hắn, được ngồi bên em là một biến cố lớn. Hắn muốn gợi chuyện nhưng cứ đực ra, không dám mở miệng. Bỗng hắn thấy một con sâu róm đang bò đến gần tay người đẹp, hắn bảo.
-Có con sâu...
Cô An quay lại hỏi hắn.
-Công nói gì?
Vừa lúc con sâu bắt đầu bò lên ngón tay của cô, hắn chỉ con sâu và bảo.
-Con sâu kìa!.
Cô nhìn thấy và hét lên một tiếng khủng khiếp, mặt xanh lè, nhào ngay vào lòng hắn, một tay ôm hắn, tay kia cứ đưa ra ngoài, vẫy lia lịa. Ðúng là tiếng kêu “vang dội núi rừng”, khiến mọi người giật mình quay nhìn. Hắn ngớ người ra, chưa kịp “enjoy” cái hạnh phúc bất ngờ thì người đẹp đã bỏ chạy đến với các bạn gái. Thế là hắn hoàn toàn mất hồn, miệng cứ lẩm bẩm với tôi.
- Chắc tao chết mất! Ðội ơn Phật, đội ơn Chúa!
Từ đó hắn rất siêng đi ngang qua nhà người đẹp, đôi khi cũng có gặp nhau, em cũng chào hỏi, chuyện trò vớ vẫn với hắn như một người bạn bình thường. Ấy vậy mà hắn lại thơ mộng hóa những lần gặp gỡ đó trong những vần thơ của hắn, tưởng như người đẹp cũng có yêu hắn một cách thầm kín. Thi tú tài hai xong, bọn tôi rủ nhau thi vào trường Hành Chánh. Sau bốn năm đèn sách, thi tốt nghiệp, hai đứa tôi học dỡ quá, ít điểm, nên khi chọn nhiệm sở, mấy chỗ ngon lành, bọn học giỏi chiếm cả, chỉ còn mấy tỉnh khói lửa mịt mù như Phước Long, Quảng Trị, Pleiku, Kontum...Hắn rủ tôi về Quảng Trị, có lẽ để dễ về Hội An thăm người đẹp.
Về Quảng Trị, mỗi đứa lãnh một chức phó quận ở miền quê, nhưng chiều nào cũng về nhà trọ ở thành phố Quảng Trị. Cơm hàng cháo chợ xong, hai đứa về nằm nói chuyện khào. Ðề tài hắn nói hoài không chán là chuyện em An, nhất là mỗi khi về thăm em, hắn kể say sưa em đẹp ra sao, chuyện trò những gì với hắn. Tôi khuyến khích hắn tỏ tình, hắn bảo.
-Tao khớp quá! Chỉ sợ em nói “Anh hiểu lầm sự tử tế của An rồi” là tao hết hy vọng. Vả lại...
Hắn không nói tiếp nhưng tôi biết hắn mặc cảm xấu trai, nên giải thích.
- Thời chiến tranh, hành chánh dù sao cũng đỡ hơn nhà binh, mầy không tiến tới, em lấy chồng, mầy chổng mỏ la trời.
Hắn nghe trúng ý nên hăng hái.
- Tuần sau, tao về nói đại, xem sao?
Tuần sau, hắn về Hội An, khi trở ra, tôi hỏi hắn.
- Kết quả ra sao?
Hắn làm thinh. Hỏi mãi, hắn mới bảo.
- Tao về, nghe người ta đồn rằng có một tên bác sĩ đang nhờ người mai mối.
- Em chịu không?
- Tao không biết, nhưng so với hắn, tao lép vế rõ ràng! Thế nên tao không ghé vào thăm em nữa.
Khuya đó, tôi thức giấc, thấy hắn ngồi đốt thơ. Ðúng là hình ảnh “chàng thi sĩ thất tình đốt thơ” Trầm tư, lặng lẽ, đau khổ âm thầm...trong ánh lửa bập bùng, khi tỏ, khi mờ của những bài thơ đang đi vào khói mây của dĩ vãng! Từ đó hắn biếng ăn, nhác uống, thân thể ốm o, mặt hắn đang tròn lại dài ra, hai má tóp lại, trông càng quái dị. Nhưng rồi một lần, tôi về Hội An thăm gia đình, khi ra Quảng Trị, tôi báo cho hắn một tin đáng cho hắn tiếp tục nuôi hy vọng. Em từ chối lời cầu hôn của anh chàng bác sĩ nọ. Hắn lý luận.
- Có lẽ em yêu một tên nào rồi, chứ không phải tao.
Tôi khuyến khích hắn.
- Dân hành chánh có cái phong thái riêng, vừa có vẻ ngạo mạn, tự tin lại vừa thanh cao, lãng mạn như một thư sinh.
Hắn coi bộ lên tinh thần, nhưng còn mặc cảm xấu trai.
- Tao chẳng thấy tao khác ở chỗ nào, e còn tệ hơn.
Tôi lại phải tái khẳng định.
- Mấy bài thơ trên báo đủ làm tim em rung động và yêu mầy. Mầy phải tự tin mà nhào vô kẻo trễ.
Lần nầy thì hắn cương quyết.
- Ðược, tao sẽ làm như mầy nói, nhưng để thong thả, tao phải lạy Phật, cầu Chúa... để lấy can đảm.
Sau cái tin vui đó, hắn ăn uống bình thường trở lại. Mặt hắn lại tròn, giống mặt cô Thúy Vân, em gái Thúy Kiều, trông không đến nỗi, và hắn lại tiếp tục chương trình ngày rằm, mồng một đi chùa, chủ nhật đi nhà thơ,ø trên cổ, hắn đeo sợi dây chuyền có tượng Phật và tượng Chúa Giê Su. Có lẽ cứ bị làm rộn hoài và cũng vì tội nghiệp hắn nên các Ngài (Chúa và Phật) định đem hồ sơ của hắn ra cứu xét thì vừa lúc Miền Nam sập tiệm. Quan lớn, quan nhỏ đi tù cả nút, dĩ nhiên tôi và hắn, cũng vô tù. Sau khi ra tù, tôi ở lì tại Sài Gòn, hắn thì về Hội An có lẽ để được gần người đẹp. Một lần về Hội An thăm nhà, tôi gặp hắn hành nghề chạy xe thồ, nghĩa là cứ ra bến xe Hội An đón khách với chiếc xe đạp, ai đi đâu thì hắn chở phía yên sau, kiếm tí tiền còm. Chẳng thấy hắn mặc cảm gì cả, gặp ai cũng cười hề hề. Lâu quá mới gặp, chúng tôi mừng rỡ kéo nhau vào quán nước trò chuyện. Tôi hỏi.
- Mầy còn siêng đi nhà thờ, đi chùa không?
Ý tôi muốn hỏi còn yêu cô An không? Hắn trả lời.
- Vẫn đi đều đều!
- Em bây giờ ra sao, ở đâu?
- Em vẫn ở đây. Bây giờ khá lắm. Ông bố với thằng em vượt biên, ở Mỹ, gởi hàng về, sống phây phả.
Kể ra có một người đẹp để tôn thờ cũng là một thú vui thanh tao, đâu cần được đáp lại, miễn người đẹp biết nhưng không tỏ vẻ khó chịu là tốt rồi. Trước kia hắn lép vế vì xấu trai, nay hắn tụt xuống hạng cùng đinh, thì dù hắn có lạy đến sói trán trước đức Phật hay quì mòn đầu gối trong nhà thờ cũng chẳng hy vọng gì. Theo chuyện cổ tích, sau khi gặp Mỵ Nương, Trương Chi tiếp tục hát đến khan cổ mà người đẹp không thèm nghe, nay hắn cũng vậy, những bài thơ tình trên báo của hắn trước đây cũng tương tự tiếng hát vô vọng của anh Trương Chi, chẳng có tác dụng gì. Ôi, thơ với thẩn! Thực tế vẫn tàn nhẫn, vẫn phủ phàng. Hai cậu (hắn và Trương Chi) chăûng có nghề ngỗng gì ra hồn, làm không đủ bỏ mồm, lấy gì nuôi vợ con nên hai nàng làm lơ cũng đúng thôi. Thế mà, lúc còn ở Sài Gòn, bỗng nhiên tôi được tin hắn cưới cô An làm vợ?! Tôi nêu giả thuyết, cô bị xe tung sứt tay, gãy gọng, bị hỏa hoạn cháy nám mặt mày hoặc cô linh tinh với ai lỡ mang bầu cần hắn đứng ra “nôm” thì tôi nghĩ hắn vẫn lời chán. Hắn có gì để trao đổi với cô An đâu?! Tôi nhớ rõ, chuyện hắn cưới cô An xảy ra trước tin đồn bọn tù cải tạo sẽ được đi Mỹ nên lý do cô thích đi Mỹ mà ưng hắn cũng không đúng.
Hôm đến sở di trú làm giấy tờ, phỏng vấn, vợ chồng tôi gặp vợ chồng hắn. Thấy cái lối săn sóc chồng đến độ âu yếm của vợ hắn, tôi nghĩ, cô An si mê hắn nhiều hơn là hắn si mê cô ta. Hắn có hai đứa con nhưng tôi vẫn hỏi.
- Ðứa nào là con của mầy?
Ý muốn biết cô An có con riêng không?
- Hai đứa nầy đây.
Cha con hắn giống nhau như khuôn đúc, cô An cũng vẫn đẹp như trước đây.
Ðến Mỹ, chúng tôi tuy ở khác tiểu bang, nhưng vẫn thường gọi nhau thăm hỏi. Rồi hắn bảo tôi qua tiểu bang hắn chơi ít hôm, tôi đồng ý. Thăm hắn cũng có nhưng mục đích chính là hỏi cho ra cái lý do hắn được cô An lấy làm chồng. Vợ chồng hắn ra đón chúng tôi tại phi trường. Về nhà đã có sẵn một bàn đồ nhậu. Khi đã ngà ngà say, tôi hỏi.
-Hai ông bà kể cho tụi nầy nghe cái nguyên nhân đưa đẩy hai người đi đến “sống chung hòa bình” Chị An nói cho tụi nầy biết. Thằng bạn tôi đây, ở tù về, chẳng ai dám giao thiệp, vậy mà chị lại chọn hắn ta, là cớ làm sao?
Vợ hắn mới kể.
- Bà cụ (tức mẹ của cô An, vợ hắn) bị bịnh ung thư. Khi phát giác ra thì đã quá trễ. Bịnh ung thư của đàn bà, đến thời kỳ trầm trọng thì có mùi hôi khó chịu, chẳng nhờ được ai phụ giúp cả. Gia đình chỉ có mình tôi, mà bà cụ thì cứ rên la suốt ngày đêm, chỉ vài tháng là tôi đã kiệt sức, e chết trước bà cụ mất! Cũng may, gặp ổng. Ổng xung phong đến thức đêm canh chừng bà cụ, tôi mới ngủ được chút đỉnh. Bà cụ thấy ổng tận tâm, không hề tỏ vẻ khó chịu nên bà cụ cảm động, trước khi mất, bắt hai đứa tôi làm lễ thành hôn, coi như cưới chạy tang. Nói là đám cưới chứ thực ra chỉ có lễ vật sơ sài, nhang đèn rồi lạy cáo tổ tiên, ông bà trước sự chứng giám của bà cụ mà thôi.
Vợ tôi nửa đùa nửa thật.
- Dám anh chị tò tí nhau, bà cụ bắt gặp, coi như ván đã đóng thuyền, thì cho “Thuyền ra cửa biển” luôn, phải không?
Bạn tôi đính chính.
- Lúc đó tôi coi bả như thiên thần, chéo áo cũng không dám động đến, mỗi ngày được gặp mặt người đẹp, lại được chuyện trò, tôi đã sướng mê rồi, còn ao ước gì hơn. Ngay sau buổi lễ gọi là đám cưới, tôi cứ nghĩ, bà cụ bắt buộc thì “nàng” phải vâng lời cho bà cụ vui lòng nhắm mắt, sau đó sẽ có màn cám ơn rồi đường ai nấy đi.
Vợ hắn thêm vào.
- Bấy giờ tôi chỉ còn bộ xương, đi không nổi, bà cụ thì rên la ngày đêm, tâm trí đâu nghĩ đến ba cái chuyện kỳ cục!
Tôi hỏi.
- Nguyên nhân nào đưa đến chuyện ông đến được với bà?
Vợ hắn nói.
- Bữa đó tôi lên Vĩnh Ðiện bổ mấy thang thuốc nam cho bà cụ, đến bến xe Hội An thì được ổng thồ về, đến nhà, vừa bước vô cửa, tôi xỉu vì mệt quá, ổng đỡ vô nhà. Thấy tình cảnh tôi, ổng xung phong đến săn sóc bà cụ về ban đêm để tôi có thể ngủ được chút ít. Bà cụ cảm động vì ngay cả đến người mình trả tiền công hậu hỉ mà cũng rút lui thì phải biết ổng chịu đựng giỏi đến bực nào!
- Ðồng ý là bà cụ cảm động, chị An cũng nhớ ơn đã chịu khó thức đêm, nhưng tôi thấy không phải là lý do để chị yêu thằng bạn tôi. Nhất là cái lối hai anh chị quấn quít nhau như tụi tôi thấy thì phải có tình yêu thắm thiết. Thằng bạn tôi trồng cây si chị từ lâu thì chẳng nói làm gì, còn chị, sao lại có thể như thế được?!
Cả hai vợ chồng chỉ cười chứ không trả lời. Hôm sau, buổi sáng, nhân hai người đàn bà rủ nhau đi chợ, chỉ còn mình tôi với thằng bạn, tôi hỏi bí quyết nào khiến hắn chịu đựng mùi hôi giỏi như vậy? Hắn nói.
- Tao nói nhưng tuyệt đối giữ bí mật, bà xã tao mà biết được thì việc tao chăm sóc bà cụ mất hết cả ý nghĩa. Nó đơn giản như thế nầy. Trong lúc ở tù, tao bị bịnh viêm xoang mũi nặng. Ra tù tao cũng chẳng có thuốc chữa. Tao nghe người ta mách đến một ông thầyï chữa thuốc nam bên Cẩm Phô. Tao đến, ổng dùng thứ thuốc bột màu trắng bỏ vô tờ giấy nhỏ, cuốn lại, thọc vô lỗ mũi tao rồi ổng thổi một cái. Thuốc chạy lên tới óc! Tao tóa hỏa tam tinh, xây mòng mòng như con gà dịch. Cả giờ sau mới tỉnh. Vậy mà thuốc hiệu nghiệm mới lạ! Cứ vài ngày tao đến cho ông thầy thổi thuốc một lần. Ít lâu sau bịnh hết hẳn nhưng từ đấy tao không ngửi được mùi gì ráo. Mũi tao điếc đặc nên dù có đứng bên cạnh cái xác trương sình tao cũng không biết thơm hôi gì. Tao chẳng ngu gì mà nói ra điều đó với bà xã tao, lại làm ra vẻ anh hùng “Em chịu đựng được thì anh cũng vì tình yêu mà chịu đựng được vậy!” Nhưng tao vẫn có một thắc mắc như vợ chồng mầy là dù vì cảm động tấm lòng của tao, vì vâng lời mà cụ mà chấp nhận tao thì bả cũng không thể có cái tình âu yếm, yêu thương tao một cách chân thành, nồng nàn như tụi mầy thấy. Tao đã nhiều lần hỏi bả như thế mà bả chỉ cười không trả lời. Vợ chồng mầy tìm cách hỏi thử xem điều bí mật đó giùm tao.
Hôm vợ chồng hắn tiễn chúng tôi ra phi trường, tôi kéo vợ hắn ra xa, hỏi riêng.
- Tôi hỏi chị một chuyện, chị phải nói thực. Coi bộ chị thương yêu bạn tôi nhiều hơn cả những người vợ bình thường?
- Thì tôi đã kể rồi, ổng như thế ai mà không cảm động.
- Tôi thấy cách yêu thương của chị không phải do lý trí mà từ quả tim chân thành.
Vợ hắn cười.
- Con mắt mấy ông tài thực! Ðược rồi, chỉ riêng anh tôi kể, nhưng đừng cho ai biết. Anh còn nhớ thời tụi mình đi học, có lần đi thăm Ngũ Hành Sơn, Non Nước không? Vụ con sâu bò trên tay tôi đó!.
- Nhớ rồi! Rồi sao nữa?
Cô đỏ mặt lên.
- Tôi thương ổng từ bữa đó.
- Bạn tôi suy luận đúng ngay chóc! Hắn bảo sao chị không bỏ chạy mà lại nhảy vào lòng hắn, còn ôm hắn nữa. Tôi thì cho rằng chỉ là tai nạn, chị hoảng quá, chứ ai mà cố ý.
Cô có vẻ mắc cỡ.
- Thực ra tôi không cố ý làm điều đó. Nhưng khi đang hoảng sợ mà có một người mình có cảm tình ngồi bên cạnh, tự nhiên phải chạy đến cầu cứu người đó.
- À, tôi biết rồi, bạn tôi làm thơ yêu chị, chị cảm động, có cảm tình?
- Chỉ đúng một phần.
- Vậy chứ cái phần kia là chuyện gì?
Cô ngập ngừng.
- Anh cũng biết, con gái mới lớn mà cầm tay con trai cả buổi, tự nhiên phải rung động, và...nhớ suốt đời!
Tôi chưng hửng.
- Vậy là chị cố ý cầm tay bạn tôi! Lúc ở trong Ðộng Mới tôi theo dõi, thấy hết. Hắn đưa tay cho chị nắm, tôi thấy chị hơi khựng lại, tôi nghĩ rằng chị không biết đó là bàn tay của hắn.
Cô cười.
- Lúc mới cầm đến tay ổng, tôi cảm thấy bàn tay cứng đơ, không dịu dàng như tay bọn con gái chúng tôi. Tôi liếc qua biết là tay ổng, tôi cầm luôn. Bàn tay ổng như có điện, chạy khắp người tôi. Ði loanh quanh trong động một lúc, tôi kéo ổng vô chỗ bóng tối, chờ hoài mà ổng không chịu ôm hôn tôi. Bây giờ vẫn còn tức!
Tôi cười nham nhở.
- Cưới nhau về, ôm bao nhiêu không được mà còn tức?!
Cô nguýt tôi.
- Bọn đàn ông các ông phàm phu tục tử, chẳng biết tình yêu là gì! Người ta nói lúc còn trẻ kia. Làm sao quên được.
Ðọc đến đây, bạn sẽ nghĩ rằng. Chuyện hợp lý, cô An yêu bạn tôi vì những bài thơ ca tụng cô, cảm động vì hắn tận tâm săn sóc bà cụ. Nhưng tại sao lại có những chuyện tình cờ ăn khớp với nhau một cách lạ lùng như vậy được? Con sâu ở đâu ra? Sao cứ nhè tay cô An mà bò lên? Vì sao mũi bạn tôi lại điếc đặc khi bà cụ bịnh? Tại sao cô An lăn ra bất tỉnh ngay khi bạn tôi đưa về đến nhà?
Nếu bạn là người vô thần thì tôi chịu thua. Ngược lại bạn tin có Chúa, có Phật thì tôi xin kể một sự thật. Hai đấng từ bi (Phật và Chúa) đã hội ý nhau giúp hắn. Ðúng ra các Ngài không bao giờ buộc người nầy phải yêu người kia như cha mẹ ép duyên con cái được, vì Tình Yêu là thứ Tự Do quí giá nhất các Ngài đã tặng cho loài người. Nhưng chả lẽ bạn tôi van xin, cầu khẩn bao nhiêu năm mà các Ngài nỡ làm ngơ?! Thế nên các Ngài đành bỏ chút thì giờ mà ra tay vậy.
Lúc bấy giờ, hai vị đó, trên chín tầng mây, nhìn xuống thế gian, theo dõi, xem bạn tôi đang làm gì? Khi thấy hắn ngồi bên cô An, Ðức Phật bèn bắt một con sâu bỏ cạnh tay cô. Ngài cũng hiểu tâm lý đàn bà lắm chứ. Gì chứ sâu, bọ, chuột, rắn...các cô sợ thất thần, nên cô An có nhảy tót vào lòng bạn tôi cũng là chuyện đương nhiên. Rồi trong thời gian bà cụ bịnh, lúc hắn chở cô An từ bến xe về nhà, đến lượt Chúa Giê Su, Ngài cúi xuống, thổi nhẹ, vậy là cô An xỉu ngay, và bạn tôi bồng vào nhà. Không gì sướng bằng được bồng trên tay người mình yêu thầm! Cho đến khi hai đứa cưới nhau, ôm nhau, các Ngài mới nhìn nhau, xoa tay mỉm cười.
Xin đừng tưởng hai đấng từ bi đó phải mất mấy năm theo dõi để thực hiện việc kết tóc xe tơ cho hai đứa. Không có đâu! Vỏn vẹn mười lăm phút thôi. Vì dưới thế gian một trăm năm thì trên thượng giới chỉ là một ngày. Sự thật là như vậy. Ðúng như vậy, các bạn ạ!
Phạm Thành Châu
Copy Safechat Khai Tri