Song Chi - Sống dưới chế độ độc tài toàn trị do một đảng Việt cộng cai trị suốt nhiều thập niên, có lẽ chúng ta cũng nên luôn luôn tỉnh táo để tự nhắc mình và nhắc nhau rằng tất cả những gì được phơi bày ra trên bề mặt, và trên truyền thông, không bao giờ là sự thật 100%. Ngay cuộc chiến “đốt lò” chống tham nhũng lâu nay cũng vậy. Báo chí truyền thông nhà nước chạy hết công suất đưa tin với nhiệm vụ đã ngầm được đảng chỉ thị, nhằm tạo tính chính danh cho đảng, củng cố niềm tin của dân đối với chế độ (giả dụ, nếu còn được một mẩu vụn lòng tin nào sót lại). Đảng Việt cộng luôn nói rằng chống tham nhũng không có “vùng cấm”, nhưng ai cũng thừa biết, là có “vùng né”. Chống đến đâu thì né, thì chừa. Thổi phồng những sự việc này, trút hết lên đầu nhân vật kia nhưng lại lờ đi, giấu biệt những chi tiết khác, nhân vật khác ở trong bóng tối, ở trên cao. Và khả năng lũng đoạn báo chí của nhà cầm quyền để dẫn dắt dư luận đi theo hướng mà họ muốn, với mục đích gì chỉ có họ biết, là…vô đối.
Đừng quên những vụ án đình đám như Năm Cam, Tăng Minh Phụng…trước kia, nhiều người cũng đã nói Năm Cam, Tăng Minh Phụng thật ra là chết oan, tội của họ không đến mức phải tử hình.
Vụ án Vạn Thịnh Phát này bà Trương Mỹ Lan dứt khoát không oan. Nhưng thể chế nào đã tạo ra Trương Mỹ Lan, những nhân vật cụ thể nào đã tạo ra, đã ăn chia, đã che chắn, đã hưởng phần lớn số tiền bị thất thoát trong bao năm? Và những cái chết bí ẩn bao quanh vụ án này: Trước hết là cái chết của hai nhân vật được bà Trương Mỹ Lan khai trước tòa là đã đích thân vận động bà Lan đứng ra hợp nhất 3 ngân hàng--ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 1998-2013 và ông Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, cựu Thứ trưởng Bộ công an. Cả hai người trước kẻ sau, đều mất vào khoảng tháng 2/2014. Khi lời khai của Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines trong một vụ án khác, có nhắc đến việc chính ông này đã đưa cho tướng Ngọ số tiền 1 triệu USD từ bà Lan thì một ngày sau ông Ngọ chết tại Bệnh viện, còn ông Tuấn mất trước đó khoảng 1 tuần. Rồi khi vụ án Vạn Thịnh Phát đang trong giai đoạn điều tra thì 3 nhân vật có liên quan là ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị độc lập của ngân hàng SCB; bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng đồng thời cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB; Ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cả ba đều “đột ngột qua đời”. Chưa kể 5 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ ngân hàng SCB đang bỏ trốn, và đang bị truy nã. Hay ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, người đã giúp cho bà Lan thâu tóm hàng loạt khu đất vàng tại Sài Gòn, nhưng đến nay vẫn an toàn.
Và có đúng bà Lan là chủ mưu hay chỉ là công cụ, cho dù là một công cụ hết sức quan trọng--nhờ vào những mối quan hệ rộng rãi với bạn bè, đối tác trong và ngoài nước, khả năng huy động vốn v.v…? Nguồn tiền bà Lan chuyển ra bên ngoài hay nguồn tiền của các đối tác bên ngoài rót vào các cơ sở bất động sản “khủng” của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đường dây của nó có dẫn đến tận những nhân vật nào đó ở nước láng giềng? Rồi mấy chục ngàn nạn nhân gửi tiền vào SCB sẽ được giải quyết ra sao?
Sơ sơ như thế để thấy vụ án còn quá nhiều điều khuất tất, chưa rõ ràng, chưa thể kết thúc. Và do đó tử hình bà Trương Mỹ Lan chẳng khác nào hành vi bịt đầu mối.