Lâm Bình Duy Nhiên - Chế độ này chỉ trông chờ vào sự quên lãng và dễ dãi của vài triệu người Việt tự do, đối lập với chính quyền. Hãy quên đi tất cả. Kêu gọi xóa bỏ hận thù nhưng nhà nước vẫn độc quyền tiếp tục khơi dậy thù hận. Hãy về đây vui chơi và hưởng thụ. Đừng lên tiếng tranh đấu, đòi hỏi gì nữa. Tất cả đã có đảng và nhà nước lo!
Có nhà văn nào đó từng thốt lời tận cùng đớn đau khi nói về những cuộc vượt biên của đồng bào miền Nam sau biến cố 30 tháng Tư: Họ ra đi tìm tự do trong cõi chết!
Vài trăm ngàn người chết nơi đại dương sâu thẳm và lạnh lẽo, không chút khói hương. Nhiều tranh cãi và hoài nghi từ các phía, nhất từ chính quyền của “Bên thắng cuộc” nhằm hạ thắp con số nạn nhân. Dẫu bao nhiêu đi chăng nữa thì đó cũng là những con số khủng khiếp và không có gì có thể bào chữa cho thái độ trả thù nhỏ mọn của nhà cầm quyền khi đã trực tiếp đẩy đưa chính đồng bào của mình vào cõi chết!
Gần 50 năm trôi qua, nhưng người Việt vẫn tiếp tục bỏ nước ra đi. Không còn trên những con thuyền mỏng manh, dễ vỡ nơi đại dương bao la. Họ bỏ nước ra đi không vì chế độ chính trị hà khắc. Đơn giản chỉ để mưu cầu một cuộc sống tươi đẹp hơn. Họ phải băng rừng, xuyên quốc gia, trốn chui trong các xe hơi, phải trả giá cho những cái chết đau thương khi bị lính biên phòng xả súng bắn chết hay bị chết cóng trong xe tải…
Chiều nay đi chợ, trong cái chốn đông người của ngày thứ bảy, bất chợt nghe tiếng Việt của đồng hương. Ủa, bà không về Việt Nam chơi sao? Có lễ 30 tháng Tư đó, giá vé máy bay cũng rẻ, sao hổng đi?
Ngó lại, thấy hai chị líu lo nói chuyện về Việt Nam đón…lễ! Mà cả hai đều là “thuyền nhân” của những năm cuối 70. May mắn, sống sót và được Thụy Sĩ đón nhận và cưu mang.
Phải như thế nào, từ cõi chết, bỏ chạy để tìm tự do nhưng nay lại hớn hở, vui mừng, về Việt Nam vui chơi, “ăn lễ”. Một cái “lễ” tang tóc và đau thương tận cùng xương tuỷ của hàng chục triệu đồng bào. Cái gọi là “lễ”, “đại thắng mùa xuân” theo cách gọi của chính quyền trong nước, dần dần bị chính nhiều người trong nước, những người có lòng tự trọng, kêu gọi không vui mừng, không đại lễ, không duyệt binh, không diễn văn, không hận thù hay không pháo bông gì nữa!
Vui chơi và quên đi quá khứ vì sao phải bỏ nước ra đi. Vui chơi và nhắm mắt quên đi thảm trạng phi dân chủ, tù tội của đất nước, của hàng chục triệu đồng bào phải sống trong bất công và đàn áp, khủng bố. Vui chơi vì vẻ hào nhoáng, phồn thịnh bên ngoài của phố phường, của một thiểu số rất ít, những kẻ thành công, thành đạt và giàu có. Đó là sự phù phiếm, bề ngoài, che dấu những vết thương đau nhói trong một cơ thể bệnh hoạn đang hấp hối.
Bao nhiêu người bỏ nước ra đi, chạy nạn cộng sản, giờ quay mặt ngợi ca chính quyền. Lũ lượt kéo nhau về vui chơi. Đó không đơn giản là nỗi niềm cố hương, dĩ nhiên hoàn toàn cảm thông. Người ta quay về với sự vui mừng vì “đất nước đổi thay, giàu có và phát triển”.
Sự dễ dãi nhanh chóng thay thế những hình ảnh đau khổ của quá khứ. Sự hưởng thụ trong chốc lát lấn át sự thật về những cuộc sống khó khăn và nghèo khổ của xã hội. Một xã hội thật, không được ưu đãi như nơi trung tâm thành phố, nơi những tòa nhà trọc trời, nơi những chiếc xe hiệu nổi tiếng lăn bánh bên những dòng người giàu có.
Người ta cố tình quên đi hiện thực của một xã hội bệnh hoạn, của những quan chức tham nhũng. Quên, tức nhắm mắt trước bất công. Quên, tức đồng lõa, trong một chừng mực nào đó, với thể chế chính trị độc tài đang giam hãm cả một dân tộc suốt gần nửa thế kỷ.
Quên không phải để sống. Quên để hưởng thụ. Quên để phủi tay, chối bỏ mọi trách nhiệm và lương tâm đối với quê hương.
Chế độ này chỉ trông chờ vào sự quên lãng và dễ dãi của vài triệu người Việt tự do, đối lập với chính quyền. Hãy quên đi tất cả. Kêu gọi xóa bỏ hận thù nhưng nhà nước vẫn độc quyền tiếp tục khơi dậy thù hận. Hãy về đây vui chơi và hưởng thụ. Đừng lên tiếng tranh đấu, đòi hỏi gì nữa. Tất cả đã có đảng và nhà nước lo!
Một xã hội vô luân, lạnh lùng và vô cảm chính là đích đến của nhà cầm quyền.
Để họ dễ trị và tiếp tục tồn tại trong sự thờ ơ của đám đông và của chính những kẻ vốn đang được hít thở không khí tự do và nhân bản nơi xứ người.
Lâm Bình Duy Nhiên (Đất Việt)