BẮT CÓC VÀ ÉP NHẬN TỘI: THỦ ĐOẠN CỦA VIỆT CỘNG HIỆN NAY

Cả gia đình của bà Cấn Thị Thêu đều bị công an bắt một cách tùy tiện. (ảnh minh họa: FB gia đình bà Cấn Thị Thêu)

Phạm Thanh Nghiên - Khoảng hơn chục năm trước, khi thực hiện một cuộc bắt bớ nhằm vào một nhân vật bất đồng chính kiến, một nhà hoạt động nhân quyền, phía công an chí ít còn muốn ra vẻ nhà nước pháp quyền. Họ lùa một lực lượng hùng hậu mặc sắc phục, đeo lon, đeo cấp số hiệu, mang xe thùng đùng đùng xông vào nhà dân để bắt. Cho ra vẻ đúng luật, người bị bắt sẽ được giao các quyết định liên quan đến mình như lệnh bắt, lệnh khám xét, lệnh tạm giam…, dù thường là sau đó gia đình nạn nhân không nhận được mảnh giấy nào. Nhưng tối thiểu vào lúc đó, người bị bắt cũng được hưởng cái “đặc ân” là biết mình bị cáo buộc vi phạm điều luật nào trong (cái gọi là) “Bộ luật hình sự” của (cái gọi là) Nhà nước CHXHCN Việt cộng.

Những năm gần đây, đặc biệt là sau sự kiện Formosa (năm 2017,) dường như vở kịch “thực thi pháp luật” vừa rườm rà, không đủ sức giới thiệu sự khủng bố, nên nhà nước công an trị đã chuyển sang sử dụng phương thức “bắt cóc,” cho tiện.

Có thể liệt kê một số vụ bắt cóc điển hình nhắm vào những nhà hoạt động về môi trường hay nhân quyền như Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Đức Bình, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Nguyễn Đức Hùng, Ngô Văn Dũng, các thành viên Nhóm Phổ Biến Hiến Pháp,… Những người này đều bị bắt cóc ở ngoài đường bởi những kẻ mặc thường phục (mật vụ.)