Nguyên Vũ – Vào tối ngày Chủ Nhật 12/5/2024, Tổng thống Nga mới tái đắc cử là Vladimir Putin đã gửi danh sách bao gồm các vị trí nội các mới lên để Thượng viện Nga phê chuẩn. Điểm đặc biệt trong danh sách này đó là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu sẽ được thay thế bằng Phó thủ tướng Thứ nhất Andrei Belousov – là một nhân vật dân sự có chuyên môn về kinh tế.
Ông Belousov 65 tuổi, được cho là một chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm, đã từng giữ các chức vụ quan trọng về kinh tế của nước Nga từ những năm 2000, cũng như làm cố vấn nhiều năm cho Tổng thống Nga, và đã có thời gian tạm thay vai trò của thủ tướng Nga. Ngoài ra, ông được cho là có mối quan hệ tốt với ông Putin.
Phát ngôn viên của Điện Kremlin là ông Dmitry Peskov nói rằng, với việc ngân sách dành cho quân đội Nga tăng lên nhanh chóng, thì “điều rất quan trọng là phải tích hợp nền kinh tế quân sự vào nền kinh tế quốc gia”.
Mức độ nhanh chóng trong việc tăng ngân sách quân sự theo lời ông Peskov đó là từ 3% lên 6,7% GDP nước Nga từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh Ukraine. Tình huống này đã có phần tương tự như tình huống của Liên Xô cũ vào giữa những năm 1980, khi mà chi tiêu quân sự của Liên Xô đã lên tới 7,4% GDP. Người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm rằng, tình huống như vậy vẫn là “cực kỳ quan trọng” và đòi hỏi phản ứng thích hợp từ các nhà chức trách.
Tại sao một chuyên gia kinh tế chưa một ngày ở trong quân ngũ lại được đưa lên làm Bộ trưởng quốc phòng Nga? Có phải vì cỗ máy chiến tranh của nước Nga quá sức hao tốn và để điều khiển nó, Nga đang cần một người biết quản lý chi tiêu hơn là một người biết đánh trận? Phải chăng nước Nga đang cố gắng tránh đi vào vết xe đổ thời Liên Xô cũ nhưng tránh vỏ dưa liệu có dẫm vỏ dừa?
Đế chế Liên Xô kiệt quệ vì chạy đua vũ trang trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Hoa Kỳ
Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã định hình lại trật tự thế giới mới. Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức bị tàn phá sau cuộc chiến đã không còn được xem là thế lực dẫn đầu thế giới, trong khi đó nước Mỹ và Liên Xô lại nổi lên thành những siêu cường mới. Cả hai quốc gia này nhanh chóng nắm quyền chi phối toàn bộ hệ thống chính trị quốc tế. Nhưng với ý thức hệ đối lập nhau, họ đã đứng ở hai bờ chiến tuyến, và đằng sau họ là một khối những nước thuộc thế giới tự do hoặc thế giới cộng sản. Một loạt các xung đột liên tiếp nổi lên, tuy không gây ra đối đầu trực tiếp nhưng lại là khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử được biết đến với tên gọi “Chiến tranh Lạnh”.
Chiến tranh Lạnh là thời kỳ căng thẳng về mặt chính trị và quân sự giữa Mỹ và Liên Xô sau khi kết thúc Thế chiến 2. Đây vẫn là một cuộc đối đầu giữa hai thế lực Xô – Mỹ, chỉ là không sử dụng vũ khí “nóng” gây sát thương mà thôi. Thay vào đó, Chiến tranh Lạnh là cuộc chạy đua vũ trang với vũ khí hạt nhân, các cuộc chiến ủy nhiệm, và nó dẫn đến một hệ quả là bên nào suy kiệt về kinh tế trước sẽ là bên thua cuộc.