‘Lưỡng đảng' Hoa Kỳ cùng chơi con bài ‘chống Tàu cộng' khi tranh cử (ảnh chụp màn hình washingtonpost)
Băng Thanh - khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội Hoa Kỳ bước vào thời kỳ đếm ngược hai tháng, cả ứng cử viên đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đang tích cực chơi lá bài “chống Tàu cộng”, theo tờ “Washington Post” đưa tin vào ngày 1/9.
Hiện có 171 quảng cáo vận động tranh cử của các ứng cử viên quốc hội hoặc tổng thống cố gắng khơi dậy sự cảnh giác của cử tri đối với Tàu cộng và nâng cao cơ hội chiến thắng của họ bằng cách chỉ trích đối thủ của họ là “thân Tàu cộng”.
Với nhiều ứng cử viên chống Tàu cộng hơn, khả năng Quốc hội Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn đối với Tàu cộng trong tương lai cũng lớn hơn.
Tờ báo chỉ ra rằng ứng cử viên từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tích cực liên kết đối thủ của họ với Tàu cộng. Đặc biệt trong năm nay, khi căng thẳng giữa Mỹ và Tàu cộng ngày càng gia tăng, cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên xem ai có quan hệ chặt chẽ hơn với Tàu cộng đã trở nên gay gắt hơn.
Theo thống kê, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, 82% quảng cáo liên quan đến Tàu cộng trong các chiến dịch tranh cử Thượng viện được tài trợ bởi đảng Cộng hòa hoặc các nhóm được đảng Cộng hoà hậu thuẫn, nhưng lần này chủ yếu đến từ Đảng Dân chủ, trong khi Đảng Cộng hòa chỉ chiếm 36%.
Những quảng cáo này đã khuấy động mối lo ngại của cử tri Hoa Kỳ về sự trỗi dậy và vai trò ngày càng mạnh mẽ của Tàu cộng trên trường quốc tế, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước Tàu cộng bị cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Chính phủ này cũng bị cáo buộc vi phạm luật môi trường và thương mại quốc tế, cũng như bán phá giá các sản phẩm giá rẻ, và nỗ lực đưa Tàu cộng vượt qua Hoa Kỳ trong phát triển công nghệ tiên tiến và khai thác khoáng sản quan trọng, v.v.
Cố vấn chính trị của Đảng Cộng hòa Whit Ayrescho biết, “Tàu cộng hiện không được lòng người Mỹ. Có một quan điểm rộng rãi rằng họ phạm tội ăn cắp trí tuệ và họ không tuân thủ luật lệ”.
Tại bang Michigan, nơi quyền kiểm soát Thượng viện đang bị đe dọa, các ứng cử viên của cả hai đảng đều tin rằng bên kia có mối quan hệ “không thể chấp nhận được” với Tàu cộng.
Trong một quảng cáo, ứng cử viên đảng Dân chủ Elissa Slotkin đã chỉ trích đối thủ đảng Cộng hòa Mike Rogers vì đã giúp Huawei của Tàu cộng thâm nhập vào Hoa Kỳ. Không chịu thua kém, Rogers gọi đối thủ của mình là “Elissa Slotkin Thượng Hải”, cáo buộc bà đã ký một thỏa thuận không tiết lộ (NDA) cách đây vài năm liên quan đến việc xây dựng một nhà máy gần Grand Rapids của nhà sản xuất pin xe điện Tàu cộng Guoxuan.
Ông Mike Rogers gần đây cũng đã mời Ông Pompeo, người cực kỳ cứng rắn với Tàu cộng trong nhiệm kỳ làm Ngoại trưởng thời ông Trump, tới một cuộc họp báo để chứng minh rằng ông sẽ không bao giờ mềm mỏng với Tàu cộng. Ông Pompeo đã ủng hộ ông Rogers, nói rằng hai người đã quen biết nhau 15 năm và “cả hai chúng tôi đều hiểu rằng ĐCS Tàu là mối đe dọa lớn đối với lối sống của người Mỹ”.
Điều này được hiểu rằng sự phản cảm của người Mỹ đối với Tàu cộng bắt đầu gia tăng vào khoảng năm 2017. Trong một cuộc thăm dò của Gallup hồi đầu năm nay, khoảng 60% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Tàu cộng. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 60% cử tri Đảng Cộng hòa mô tả Tàu cộng là “kẻ thù” của Hoa Kỳ, trong khi tỷ lệ của cử tri đảng Dân chủ là 30%.
Phân tích của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế chỉ ra rằng số lượng dự luật liên quan đến Tàu cộng được Quốc hội Hoa Kỳ đề xuất vào năm 2021 gấp sáu lần so với năm 2013 và hàng tỷ đô la đã được phân bổ cho đến nay để tạo ra lợi thế quân sự của Hoa Kỳ, hạn chế việc Tàu cộng mua lại thiết bị và công nghệ bán dẫn và tăng cường các chính sách như thành lập một liên minh toàn cầu chống Tàu cộng.
Băng Thanh (DKN)