NGÀNH Y GẶP KHÓ HAY CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA ĐANG XUỐNG CẤP ?

 

Ảnh minh họa  (AFP)

RFA - Tháng 9 năm ngoái, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, một số loại thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt như suy tuyến thượng thận, thuốc giải độc kim loại nặng... không có sẵn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong công tác cấp cứu, điều trị của bệnh viện.

Tháng 2 năm nay, Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội cho biết, do thiếu hụt vật tư y tế, hóa chất nên kể từ đầu tháng 3, bệnh viện hạn chế tối đa các ca mổ hẹn trước để ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu. Lên tiếng trên truyền thông Nhà nước, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cho biết, dù bệnh viện đã cố gắng thực hiện các thủ tục đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm... đúng quy định pháp luật, nhưng một số hóa chất đã sắp hết vì vướng mắc trong việc đấu thầu.

Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng loan tin đang rất khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất để chữa trị cho bệnh nhân. Cả bệnh viện có sáu chiếc máy chụp CT scanner, nhưng năm chiếc đã hư chưa sửa được. Hiện chỉ còn một máy hoạt động. Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định, giá gói thầu đang là vấn đề khó khăn nhất của bệnh viện. Nếu tiếp tục chờ đợi ba báo giá của các nhà cung cấp khác nhau theo quy định, chắc chắn bệnh viện sẽ phải tạm ngưng hoạt động vì không đủ hóa chất.

Lỗi có hệ thống?

Nhìn nhận về vấn đề trên, Bác sĩ Đinh Đức Long, nói với RFA quan điểm của ông trong sáng 27 tháng 2 năm 2023:

“Mình khẳng định rõ ràng đây là lỗi của cơ chế quản lý, lỗi của con người cụ thể. Tại sao trước đây có thuốc, có vật tư y tế, bây giờ không có?

Đây không phải lỗi do khách quan. Mà nói về ngành y thì người chịu trách nhiệm cuối cùng là tư lệnh ngành, tức Bộ trưởng Bộ y tế. Tư lệnh ngành y tế hiện nay không phải là người học ngành y.

Còn cụ thể phải sửa như thế nào thì mình không phải người quản lý nên mình không biết cụ thể nó vướng chỗ nào. Nhưng để xảy ra như vậy thì bộ trưởng bộ y tế phải là người chịu trách nhiệm.

Trong lịch sử chế độ cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay, tất cả bộ trưởng y tế đều từ ngành y ra. Đây là lần đầu tiên có một Bộ trưởng y tế không biết gì về ngành y, mà trong 100 ngày giữ chức, tức là hơn ba tháng, là đủ để biết bộ trưởng có thể tạo ra đột phá hay không, có làm được việc hay không. Chế độ độc tài có quyền lực tuyệt đối. Có quyền lực tuyệt đối mà không làm được việc thì lỗi tại mình. Không thể đổ lỗi cho ai được hết.”

Bộ trưởng y tế Việt Nam hiện nay là bà Đào Hồng Lan, người chưa từng học ngành y. Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về việc không phải là người trong ngành y, bà Đào Hồng Lan cho rằng: “Bản thân không xuất phát từ ngành y, mọi việc đều rất mới, nhưng trách nhiệm trước đảng, trước nhân dân nên mọi công việc sắp tới cũng rất mới.”

Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 25 tháng 2 năm 2023 đã ký công điện số 72 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Đây không phải lần đầu ông Phạm Minh Chính lên tiếng về tình trạng này. Vào tháng 7 năm 2022, Thủ tướng đã kêu gọi một giải pháp phù hợp xử lý tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng đến nay, tình hình xem ra vẫn chưa được cải thiện.

Ngưng trệ do cơ chế?