Dân Trần - Vậy là Putin đã ra về sau khi Việt-Nga ký 11 văn kiện hợp tác về quốc phòng an ninh, năng lượng, kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa ngoại giao… Thoạt nhìn thì những thỏa thuận này sẽ góp phần đưa "Việt Nam cộng" gần hơn, gắn kết hơn với Nga trong bàn cờ chính trị quốc tế nhiều bất ổn hiện nay. Nhưng nhìn về lịch sử và bối cảnh bây giờ thì cả hai bên đều không có sự tin tưởng lẫn “năng lực” để kề vai sát cánh cùng nhau.
Còn nhớ năm 1978, Việt – Xô từng ký “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước CHXHCN Việt cộng và Liên bang CHXHCN Xô Viết” (ngày 3/11/1978). Trong điều 6 của hiệp ước có ghi rõ: “Các bên ký kết sẽ tham khảo ý kiến của nhau về tất cả các vấn đề quốc tế lớn ảnh hưởng đến lợi ích của cả hai nước. Trong trường hợp một trong các bên trở thành đối tượng của một cuộc tấn công hoặc đe dọa tấn công, các bên ký kết sẽ ngay lập tức bắt đầu tham vấn lẫn nhau để loại bỏ mối đe dọa đó và thực hiện các biện pháp hiệu quả phù hợp đảm bảo hòa bình và an ninh cho quốc gia của hai bên”.
Tức là nếu một trong hai nước bị tấn công, xâm lược thì nước còn lại phải tiến quân hỗ trợ để “loại bỏ mối đe dọa đó”. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng rưỡi sau (17/02/1979) Việt Nam bị Tàu cộng tấn công, và Liên Xô đã… lên tiếng phản đối và yêu cầu Tàu cộng rút quân ngay lập tức. Ngoài ra, không có hành động can thiệp quân sự nào đáng kể cho Việt Nam, vì Liên Xô sợ đổ vỡ quan hệ với Tàu cộng.
Đó là lúc Liên Xô còn là nước xã hội chủ nghĩa, chung con đường với Việt cộng. Hiện giờ Liên Xô đã không còn và Nga cũng không đi theo chủ nghĩa cộng sản nữa. Lúc còn chung đường đã không giúp nhau, thì nay khác đường rồi, những cái hiệp định đó liệu có tin tưởng được không?
Đó là chuyện lịch sử. Còn hiện nay, Nga đã kiệt quệ cả về kinh tế lẫn quân sự sau hơn hai năm sa lầy trong cuộc chiến xâm lược Ukraine. Đối với Việt cộng, nếu không có tiền thì họ không coi ra gì cũng đừng nói là đối tác. Còn đối với Nga, "Việt Nam cộng" cũng không phải là nước có thể nhờ vả về mặt kinh tế. Nếu nói về tiền, thì Tàu cộng sẽ là chỗ dựa an toàn cho Nga hơn là Việt cộng. Cho nên nếu Tàu cộng có đánh Việt cộng một lần nữa thì cùng lắm là Nga cũng chỉ viết một văn bản phản đối chứ chẳng thể giúp Việt cộng điều gì.
Đáng chú ý nhất ở 11 văn bản hợp tác lần này có lẽ là “Bản Ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam giữa Bộ KH-CN và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Rosatom”. Nga có thể hỗ trợ Việt cộng về công nghệ hạt nhân, nhưng cũng cần nhìn lại phía Việt cộng có triển khai được hay không.
Với tình trạng tham nhũng của Việt cộng hiện nay thì dự án chưa triển khai là đã thấy sâu mọt chuẩn bị đục khoét rồi. Các dự án quốc phòng, hạt nhân của Việt cộng thường đi vào ngõ cụt vì thiếu công nghệ, hoặc có công nghệ nhưng không biết xài, hoặc biết sử dụng nhưng tiền bị ăn chặn nên không thể làm tới nơi tới chốn được.
Trên đây là chưa nói tới trường hợp nếu Việt cộng triển khai công nghệ hạt nhân thì có thể bị các nước phương Tây cô lập, như Triều Tiên và Iran. Lúc đó, công nghệ thì không làm được, kinh tế thì bị bao vây. Đang lúc khó khăn mà ký hiệp định với Nga, đất nước đang thất thế về mọi mặt, thì có khác nào tự đeo gông vào cổ?!
Dân Trần (VNTB)