Ảnh tài liệu do Văn phòng Thủ tướng Israel cung cấp, chụp vào ngày 14/4/2024, cho thấy Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) trong cuộc họp Nội các Chiến tranh tại Kirya ở Tel Aviv.
Reuters (VOA) - Người Israel đang chờ đợi thông tin về cách Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ phản ứng trước cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Iran khi áp lực kiềm chế quốc tế ngày càng tăng trong bối cảnh lo ngại về tình trạng leo thang xung đột ở Trung Đông.
Một nguồn tin chính phủ cho biết ông Netanyahu hôm 15/4 đã triệu tập nội các chiến tranh của mình lần thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ để cân nhắc phản ứng trước cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa vào cuối tuần qua của Iran.
Mặc dù cuộc tấn công không gây tử vong và ít thiệt hại, nhờ hệ thống phòng không và các biện pháp đối phó của Israel và các đồng minh, nhưng nó đã làm gia tăng mối lo ngại rằng bạo lực bắt nguồn từ cuộc chiến ở Gaza đang lan rộng và mối lo sợ về sự mở rộng chiến tranh giữa những quốc gia thù địch lâu nay.
Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi hôm 15/4 nói “việc phóng rất nhiều tên lửa, tên lửa hành trình và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel sẽ vấp phải phản ứng”, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết.
Thứ trưởng Ngoại giao Iran Ali Bagheri Kani nói với truyền hình nhà nước vào tối ngày 15/4 rằng phản ứng của Tehran trước bất kỳ sự trả đũa nào của Israel sẽ có ngay “chỉ trong vài giây, vì Iran sẽ không đợi thêm 12 ngày nữa để đáp trả”.
Nhưng viễn cảnh trả đũa của Israel đã làm nhiều người Iran, vốn đang phải chịu đựng nỗi đau kinh tế cũng như các biện pháp kiểm soát chính trị và xã hội chặt chẽ hơn kể từ các cuộc biểu tình năm 2022-2023, phải lo sợ.
Iran đã tiến hành cuộc tấn công để trả đũa cuộc không kích do Israel tiến hành nhằm vào khu đại sứ quán của nước này ở Damascus hôm 1/4 và đưa ra tín hiệu rằng họ không tìm cách leo thang thêm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua nói với ông Netanyahu rằng Mỹ, nước đã giúp Israel ngăn chặn cuộc tấn công của Iran, sẽ không tham gia vào một cuộc phản công của Israel.
Kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu vào tháng 10, nhiều cuộc đụng độ đã nổ ra giữa Israel và các nhóm liên kết với Iran có trụ sở tại Lebanon, Syria, Yemen và Iraq.
Israel cho biết 4 binh sĩ của họ đã bị thương ở khu vực cách hàng trăm mét bên trong lãnh thổ Lebanon chỉ sau một đêm. Đây vụ xâm nhập đầu tiên của Israel vào Lebanon được biết tới kể từ khi chiến tranh Gaza nổ ra, mặc dù nước này đã giao tranh với lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon.
Phản ứng quốc tế
“Chúng ta đang ở bên bờ vực và chúng ta phải tránh ra khỏi đó,” ông Josep Borrell, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu, nói với đài phát thanh Tây Ban Nha Onda Cero.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự. Washington và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng kêu gọi kiềm chế.
Người phát ngôn về an ninh quốc gia của Nhà Trắng, John Kirby, hôm 15/4 từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden trong các cuộc đàm phán vào tối ngày 13/4 có thúc giục Thủ tướng Netanyahu kiềm chế đáp trả Iran hay không.
“Chúng tôi không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh với Iran. Chúng tôi không muốn chứng kiến một cuộc xung đột khu vực”, ông Kirby nói trong một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng chính Israel là bên quyết định “liệu họ có phản ứng hay không và phản ứng như thế nào”.
Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz cho biết ông đang “dẫn đầu một cuộc tấn công ngoại giao” cùng với phản ứng quân sự của Israel, bằng cách viết thư cho 32 quốc gia để áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa của Iran và coi Quân đoàn Vệ binh Cách mạng của nước này là một tổ chức khủng bố.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen nói hành động của Iran đe dọa sự ổn định ở Trung Đông và có thể gây ra tác động lan tỏa về kinh tế. Bà nói thêm rằng Mỹ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt và hợp tác với các đồng minh để tiếp tục ngăn chặn “hoạt động ác tính và gây bất ổn” của Iran.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng chính quyền Biden khó có thể tìm cách tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu của Iran do lo ngại về việc tăng giá dầu và nguy cơ khiến nước mua hàng đầu là Tàu cộng nổi giận.
Theo truyền thông nhà nước Tàu cộng, trong cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng Tàu cộng và Iran, Tàu cộng nói họ tin Iran có thể “xử lý tốt tình hình và tránh cho khu vực thêm bất ổn” trong khi bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của mình.
Nga đã kiềm chế không công khai chỉ trích đồng minh Iran nhưng cũng cảnh báo không nên leo thang căng thẳng hơn nữa.
Cuộc tấn công trả đũa của Iran, liên quan đến hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái, đã gây ra ít thiệt hại ở Israel và làm bị thương một bé gái 7 tuổi. Hầu hết tên lửa và máy bay không người lái đều bị hệ thống phòng thủ Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel bắn hạ với sự trợ giúp của Mỹ, Anh, Pháp và Jordan.
Tại Gaza, nơi hơn 33.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel – theo số liệu của Bộ Y tế Gaza, hành động của Iran đã thu hút sự tán thưởng.
Israel bắt đầu chiến dịch chống lại Hamas, nhóm chiến binh Palestine do Iran hậu thuẫn đang điều hành Gaza, sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10, giết chết 1.200 người và bắt 253 con tin, theo thống kê của Israel.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết Nhóm Bảy nền dân chủ lớn đang nghiên cứu một gói các biện pháp phối hợp chống lại Iran.
Ý, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7, cho biết họ sẵn sàng cho các biện pháp trừng phạt mới và đề xuất rằng bất kỳ biện pháp mới nào cũng nên nhắm vào các cá nhân.
Cuộc tấn công của Iran đã khiến ít nhất một chục hãng hàng không phải hủy hoặc định tuyến lại các chuyến bay, trong lúc cơ quan quản lý hàng không châu Âu vẫn khuyến cáo nên thận trọng khi sử dụng không phận của Israel và Iran. (VOA)