HẬU QUẢ CỦA KHỦNG BỐ VÀ ĐỨC HẠNH CỦA HY VỌNG

 

Phóng viên chiến trường Uwe Siemon-Netto tại Huế năm 1968

Thông Luận - Lời giới thiệu : Đăng lại dưới đây đoạn cuối trong cuốn sách của Uwe Siemon-Netto, Phóng viên chiến trường người Đức tại Việt Nam năm 1968, rất cảm động. Ông đã kể lại một cách trung thực về cuộc chiến Việt Nam để thế hệ mai sau có một cái nhìn đúng đắn hơn về cuộc chiến này, đồng thời cũng diễn tả đúng tâm trạng của những người trong cuộc : dân tộc Việt Nam và những người đã dũng cảm chiến đấu bảo vệ nền dân chủ mong manh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975.

*

“Nhưng là một người ngưỡng mộ tính kiên cường của dân tộc Việt Nam, tôi tin là họ sẽ cuối cùng tìm ra phương cách ôn hòa và các lãnh tụ chân chính để họ có thể thoát khỏi những tay bạo chúa. Có thể sẽ phải mất nhiều thế hệ, nhưng điều đó sẽ xẩy ra”.

Đoạn kết : Hậu quả của khủng bố và đức hạnh của hy vọng

Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ khi tôi giã biệt Việt Nam. Vào năm 2015, thế giới sẽ chứng kiến kỷ niệm lần thứ 40 chiến thắng của cộng sản và nhiều người sẽ gọi đó là ngày “giải phóng”.

Ga xe lửa Huế, nơi một đầu máy và một toa hành lý khởi hành chuyến tầu tượng trưng 500 thước mỗi buổi sáng vào lúc 8 giờ sẽ không còn đáng đi vào kịch trường của sự phi lý nữa. Nó đã được phục hồi đẹp đẽ và sơn phết lại mầu hồng. Một lần nữa, tương tự như những ngày dưới sự thống trị của người Pháp, nó là nhà ga xe lửa đẹp nhất vùng Đông Dương và tài xế tắc-xi không phải chờ đợi vô ích bên ngoài.

Mười chuyến tầu thong dong chạy qua mỗi ngày, năm chuyến xuôi Nam và năm chuyến ra Bắc. Gộp chung lại chúng được mệnh danh một cách không chính thức là Tàu Tốc Hành Thống Nhất. Chẳng lẽ nào tôi lại không mừng vui ? Chuyện này có khác nào bên Đức khi bức tường Bá Linh đổ xuống và những bãi mìn biến mất, và nay những chuyến tầu cao tốc phóng ngược xuôi giữa hai xứ nguyên là Cộng sản bên Đông và Dân chủ bên Tây với tốc độ lên tới 200 dặm một giờ ?