
Ảnh tư liệu: Chiến hạm HMCS Calgary quay trở lại cảng Victoria, British Columbia, Canada ngày 24/10/2008. (AP - Deddeda Stemler)
Trọng Nghĩa - Như tin RFI đã loan, ngày 31 Tháng Ba vừa qua, bộ Quốc Phòng Canada đã chính thức thông báo sự kiện chiến hạm HMCS Calgary của nước này đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa trên đường từ Brunei đến Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/03.
Hành trình xuyên Biển Đông để đến Cam Ranh
Trong hành trình qua Biển Đông, chiếc Calgary đã bị một tàu chiến Trung cộng bám sát theo và chiến hạm Canada đã cập bến cảng Cam Ranh của Việt Nam hôm 31/03 để được “tiếp tế hậu cần”.
Cho dù chính quyền Canada đã giải thích lý do chiến hạm Canada băng qua Biển Đông bằng tính chất “thuận tiện” của lộ trình, giới quan sát đã gắn liền động thái này của Ottawa với bối cảnh quan hệ càng lúc càng căng thẳng giữa Canada và Trung cộng, sau vụ Bắc Kinh cho bắt giữ hai công dân Canada làm việc tại Trung cộng rồi đưa ra xét xử với cáo buộc làm gián điệp, để trả đũa vụ Ottawa cho bắt giữ rồi quản chế giám đốc tài chánh của tập đoàn công nghệ viễn thông Trung cộng Hoa Vi.
Tuy nhiên có một điểm chắc chắn là trong thời gian gần đây, chính quyền Canada càng lúc càng có thêm nhiều động thái thể hiện mối quan tâm đến tình hình Biển Đông theo chiều hướng bảo vệ quyền tự do hàng hải chống lại ý đồ thâu tóm khu vực của Trung cộng.
Sự kiện chiến hạm Canada đi ngang qua vùng quần đảo Trường Sa diễn ra đúng vào lúc Trung cộng tung hàng trăm chiếc tàu mà Bắc Kinh cho là tàu cá, nhưng bị Philippines và các chuyên gia nghiên cứu xác định là tàu dân quân biển, đến tràn ngập rạn san hộ Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa, trước khi tỏa ra một số đảo đá khác trong vùng.
Canada cũng phản đối Trung cộng trong vụ Đá Ba Đầu
Điểm đáng ghi nhận là trong số những quốc gia ngoài vùng Biển Đông, Canada đã lên tiếng cùng với Mỹ, Nhật, Anh, Úc lên án hành vi của Trung cộng tại vùng Đá Ba Đầu. Trong một tin nhắn Twitter ngày 25/03, đại sứ Canada tại Philippines khẳng định: “Canada phản đối các hành động gần đây của Trung cộng ở Biển Đông…, làm leo thang căng thẳng và phá hoại sự ổn định của khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Trước hành trình của chiến hạm Canada HMCS Calgary qua Biển Đông, chính quyền Ottawa cũng đã từng tàu chiến đến khu vực và đi qua các vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền Trung cộng
Theo báo chí Canada, các quan chức nước này luôn phủ nhận việc Ottawa muốn gửi đi một thông điệp khi cho chiến hạm băng qua eo biển Đài Loan hay Biển Đông, tuy nhiên, một số tài liệu rò rỉ vào năm 2020 cho thấy chính phủ Canada đã thảo luận ở cấp cao nhất về các động thái như vậy trước khi thông qua.
Chuyến đi qua eo biển Đài Loan của chiến hạm HMCS Ottawa vào năm 2020 chẳng hạn, đã được mô tả là nhằm “thể hiện hậu thuẫn của Canada đối với các đối tác và đồng minh thân cận nhất cũng như đối với an ninh khu vực và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. (RFI)
*
BIỂN ĐÔNG: TÀU NGẦM PHÁP, TÀU CHIẾN CANADA, ÚC LIÊN TỤC XUẤT HIỆN

Tàu ngầm của Pháp (ảnh: Từ trang Facebook chính thức của Hải quân Pháp Nationale).
Thiện Phong (ĐKN) - Apollo đưa tin, gần đây Trung cộng đã cử hàng trăm tàu đánh cá do người dân và quân đội điều khiển tập trung ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền của Philippines, gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân Philippines.
Theo tin mới nhất, các tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục nhỏ của Pháp gần đây cũng xuất hiện ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Anh và Đức cũng đang có kế hoạch cử tàu tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong năm nay.
Đài Á Châu Tự Do đưa tin, Daniel Le Bouthillier người phát ngôn Bộ Quốc phòng Canada, xác nhận tàu khu trục HMCS Calgary sẽ đi qua vùng biển Việt Nam trong hai ngày 29 và 30/3, khởi hành từ Brunei đến Việt Nam. Ông còn cho biết, đi qua vùng biển này là vì nó là con đường dễ dàng nhất để di chuyển.
Báo cáo dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng giấu tên nói rằng, chính quyền Đảng Cộng sản Tàu (ĐCST) luôn theo dõi tàu chiến Canada trong suốt quá trình nó di chuyển, vì ĐCST đã tuyên bố chủ quyền đối với khu vực biển đó.
Stephen Nagy, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Tổ chức Châu Á Thái Bình Dương Canada, cho rằng việc tàu chiến Canada đến Biển Đông có nghĩa là Canada không công nhận chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông. Điều đó cũng cho thấy chiến lược của Canada ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm cả ngoại giao, chính trị, quốc phòng, quân sự, kinh tế, văn hóa thương mại…
Theo tin tức từ các phương tiện truyền thông của ĐCS Tàu cho biết, gần đây tàu khu trục hải quân Úc HMAS Anzac và tàu khu trục hải quân Canada Calgary cũng đang khởi hành từ Singapore và Brunei để đi vào Biển Đông.
Từ xưa đến nay, Biển Đông luôn là một trung tâm chiến lược của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Để duy trì cái gọi là hàng hải tự do, Mỹ và Châu Âu đang tích cực tăng cường bố trí chiến lược của họ ở Biển Đông trong những năm gần đây.
Kể từ đầu năm nay, tàu chiến của Mỹ đã ba lần đi qua eo biển Đài Loan và hai lần thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải ở Biển Đông. Hai tàu sân bay USS Roosevelt và Nimitz đã tiến hành huấn luyện chung ở Biển Đông trong tháng Hai. (dkn.tv)
|